Các kịch bản tăng trưởng kinh tế
Tại Hội thảo khoa học quốc tế “Triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2025: Cơ hội và thác thức từ các hiệu định thương mại tự do thế hệ mới” vừa diễn ra, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) đưa ra hai kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, với kịch bản thứ nhất, tăng trưởng GDP có thể đạt trung bình 7%/năm. Kịch bản này có thể xảy ra khi kinh tế thế giới không có biến động lớn nhưng có thể gặp một số khó khăn do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại đã lan toả vào khu vực sản xuất; kinh tế vĩ mô trong nước về cơ bản ổn định, mô hình tăng trưởng kinh tế bắt đầu có sự chuyển đổi tương đối rõ nét mặc dù vẫn dựa vào những động lực tăng trưởng kinh tế cũ nhưng chất lượng, hiệu quả nền kinh tế được cải thiện hơn. Với kết quả tính toán của kịch bản cơ sở này, Việt Nam sẽ bước vào nhóm các quốc gia thu nhập trung bình cao ở cuối giai đoạn.
Đưa ra đánh giá về kịch bản này, TS. Đặng Đức Anh - Phó Giám đốc NCIF cho rằng, kịch bản này có nhiều khả năng xảy ra nhất dựa trên hiện trạng kinh tế và những yếu tố ảnh hưởng có xác xuất xảy ra cao nhất hiện nay.
Đối với kịch bản thứ hai, NCIF cũng dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt mức 7,5%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025. Kịch bản này có thể xảy ra nếu Việt Nam tận dụng và phát huy tốt hơn nữa các cơ hội từ hội nhập quốc tế và đẩy nhanh chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới.
Theo kịch bản này, Việt Nam được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và thu hút FDI nhanh hơn so với kịch bản thứ nhất nhờ tận dụng tốt hơn các FTA mà Việt Nam đã ký kết trong thời gian vừa qua cũng như các tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) đưa ra hai kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025
Tăng trưởng GDP phục hồi rõ nét
Cũng tại Hội thảo, đánh giá về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, nhóm nghiên cứu của NCIF nhận định, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng.
Bằng chứng, tăng trưởng GDP phục hồi rõ nét sau giai đoạn 2011 - 2015, duy trì được tốc độ cao, đặc biệt là trong các năm 2017 - 2019, với tốc độ tăng tương ứng đạt 6,81, 7,08% năm 2017, 2018 và khoảng 7,1% năm 2019. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới, thương mại toàn cầu và tăng trưởng kinh tế ở hầu hết các khu vực, các nền kinh tế chậm lại.
Tính chung giai đoạn 2016 - 2020, tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế khoảng 6,84%/năm, đạt mục tiêu 6,5 - 7% Kế hoạch 2016 - 2020 đã đề ra.
Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc NCIF Trần Thị Hồng Minh cho biết, kinh tế Việt Nam đang bước vào thời kỳ chuyển đổi quan trọng gắn với tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nâng cao khả năng cạnh tranh của dựa trên các đột phá về thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng và khoa học công nghệ với những thuận lợi và khó khăn đan xen. Với tốc độ kinh tế được đánh giá cao trong giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam được kỳ vọng bước vào giai đoạn 2021-2025 với nhiều triển vọng phát triển.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chuyển sang thời kỳ kỷ nguyên số và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chính phủ Việt Nam đang tập trung cải cách theo hướng đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế ngoài nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, cũng đứng trước nhiều thách thức và áp lực không nhỏ khi Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và sắp tới là Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEF). Các hiệp định này dự báo sẽ có tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế trong nước, tới doanh nghiệp và toàn xã hội.
Minh Ngọc