Thị trường Việt Nam hiện có khá nhiều mẫu xe có doanh số bán tốt. Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), khoảng 16 mẫu xe có doanh số hơn 4.000 chiếc, đủ tiêu chuẩn đáp ứng sản lượng tối thiểu ưu đãi thuế nhập linh kiện để lắp ráp xe.
Cụ thể, nhóm xe này có Toyota Vios bán ra được hơn 22.400 chiếc, Hyundai Accent có doanh số 15.500 chiếc, Mitsubishi Xpander bán ra hơn 14.600 chiếc, Hyundai Grand i10 bán ra hơn 14.300 chiếc, Mazda 3 bán được hơn 11.000 chiếc.
Các mẫu xe có doanh số bán dưới 10.000 chiếc bao gồm Toyota Innova với 9.700 chiếc, Toyota Fortuner và Kia Cerato đều bán ra được 9.200 chiếc; Mazda CX5 với 8.600 chiếc, Honda City với 8.000 chiếc, Hyundai SantaFe với 7.500 chiếc.
Các mẫu xe bán ra với doanh dưới 7.000 chiếc bao gồm Ford Everest, Hyundai Kona và Toyota Camry.
Trong danh sách xe bán ra có doanh số cao nhất là Toyota Vios có mức giá bán ra từ 500 đến 700 triệu đồng/chiếc. Đây là mẫu xe thường xuyên có doanh số cao nhất trong phân khúc xe sedan tầm trung.
Các mẫu xe khác như Hyundai i10, Accent, Mazda 3 hay Mitsubishi Xpander đều thuộc phân khúc xe dưới 700 triệu đồng, có doanh số bán ra rất cao. Đây là các mẫu xe chiến lược được doanh nghiệp lắp ráp tại Việt Nam.
Riêng mẫu Xpander hiện vẫn được nhập khẩu từ Indonesia tuy nhiên, nhà sản xuất hé lộ kế hoạch lắp ráp mẫu xe này tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2020 khi doanh số bán ra đủ dung lượng thị trường.
Theo Dự thảo về Nghị định ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện xe hơi được Bộ Tài chính xây dựng, các doanh nghiệp muốn nhận ưu đãi phải thoả mãn điều kiện sản lượng tối thiểu chung và riêng từng mẫu xe hơi.
Sản lượng xe riêng tối thiểu của mẫu xe cam kết trong năm 2020 phải đạt 4.000 chiếc/năm, trong năm tiếp theo là 4.500 và năm 2022 là 5.000 chiếc/năm. Như vậy, có thể nói cả 16 mẫu xe kể trên đều thoả mãn tiêu chí sản lượng riêng theo quy định.
Trong trường hợp các loại xe đạt yêu cầu được miễn giảm thuế nhập linh kiện, chắc chắc chi phí sản xuất những mẫu xe này sẽ giảm mạnh. Hiện tại các mẫu xe lắp ráp của Việt Nam đều phải nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài, mức thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện là khoảng 40% đến 75%.
Chính mức thuế suất thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện xe hơi đã và đang khiến chi phí sản xuất xe Việt Nam đắt đỏ thêm. Thậm chí, chính vì mức thuế này đã và đang khiến giá xe lắp ráp tại Việt Nam đắt hơn các dòng xe nhập khẩu vào Việt Nam.
Mới đây, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 11/2019, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai thông tin Bộ này đã hoàn tất Dự thảo sửa đổi Nghị định 125/2017 về biểu thuế ưu đãi đối với ô tô và linh kiện ô tô.
Theo đó sẽ đề xuất ưu đãi thuế 0% đối với linh kiện xe hơi trong nước chưa sản xuất được phải nhập khẩu về phục vụ lắp ráp trong nước. Trường hợp thứ 2 là áp dụng thuế suất 0% đối với linh kiện xe ô tô mà doanh nghiệp xe hơi trong nước sản xuất được, để phục vụ các nhà máy sản xuất ô tô trong nước.
Dự kiến trong tháng 12 này, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ thông qua Nghị định sửa đổi nói trên nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm.
An Linh