Hiệp định EVFTA được thông qua: 'Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm'

Hiệp định EVFTA được thông qua: 'Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm'
EVFTA được thông qua, song để mang lại lợi ích trên thực tế thì vẫn còn nhiều việc phải làm, cấp bách nhất là những văn bản hướng dẫn về thuế nhập khẩu, quy tắc xuất xứ...

Chiều 12/2, trong cuộc bỏ phiếu mang tính quyết định ở Strasbourg, các thành viên của Nghị viện Châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA).

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán EVFTA và EVIPA, cho biết, EVFTA được Nghị viện châu Âu thông qua song để mang lại lợi ích trên thực tế thì Chính phủ Bộ Công Thương vẫn còn nhiều việc phải làm.

“Một vấn đề rất đáng quan tâm là nếu hiệp định có hiệu lực vào ngày 1/7 thì ta đã có sẵn các văn bản hướng dẫn hay chưa? Cái khó cho các cơ quan là quy trình soạn thảo văn bản hướng dẫn chỉ có thể khởi động khi hiệp định đã được Quốc hội phê chuẩn”, ông Khánh nói.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán EVFTA và EVIPA. (Ảnh: MOIT)
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán EVFTA và EVIPA. (Ảnh: MOIT)

Từ đó, có thể nảy sinh tình huống hiệp định đã có hiệu lực nhưng lại chưa có văn bản hướng dẫn thực thi bởi thời gian từ lúc được phê chuẩn tới lúc có hiệu lực quá ngắn trong khi theo luật, quy trình xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật lại không thể ngắn như vậy.

Theo ông Khánh, hiện Bộ Công Thương đã trình Chính phủ hồ sơ đề nghị Quốc hội phê chuẩn hiệp định. Dự kiến Chính phủ sẽ trình Chủ tịch nước để Chủ tịch nước xem xét việc trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2020. Nếu Quốc hội thông qua vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 thì dự kiến EVFTA sẽ có hiệu lực rất sớm, có thể ngay từ 1/7, sau khi hai bên thông báo cho nhau về việc đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn.

“Trong tình huống đó, việc tốt nhất mà Bộ Công Thương và Chính phủ có thể làm là dự thảo sẵn các văn bản hướng dẫn để ngay sau khi hiệp định được Quốc hội phê chuẩn thì công bố để lấy ý kiến người dân. Như vậy sẽ rút ngắn được khoảng thời gian trống, giúp các doanh nghiệp hai bên có thể nhanh chóng hiện thực hóa lợi ích của hiệp định”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho hay.

Vẫn theo Trưởng đoàn đàm phán EVFTA và EVIPA, việc cần và cấp bách nhất hiện nay là những văn bản hướng dẫn về thuế nhập khẩu, quy tắc xuất xứ, mở cửa thị trường dịch vụ, mua sắm của các cơ quan Chính phủ và phát triển bền vững.

“Hiện chúng tôi đang triển khai theo hướng này. Cũng có phần “cầm đèn chạy trước ô tô” nhưng rất hy vọng là Quốc hội sẽ thông qua hiệp định một cách thuận lợi”, ông Khánh chia sẻ.

Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, nhấn mạnh việc EVFTA được thông qua với tỷ lệ 63,33% là kết quả tốt đẹp và có ý nghĩa với Việt Nam và Liên minh Châu Âu, hai đối tác chiến lược và toàn diện đã triển khai đàm phán ký kết hai hiệp định.

Theo Bộ trưởng, hiện nay EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, song thị phần hàng hoá của khu vực này còn rất khiêm tốn, bởi năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam còn hạn chế. Vì vậy, với cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ chắc chắn sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam khi nhập khẩu vào thị trường quan trọng này, giúp thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Bộ trưởng cho rằng, EVFTA là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới kèm theo những bước cải cách sâu rộng. Không những thế, Việt Nam đã cùng EU xây dựng một hiệp định có những điểm khác biệt, thậm chí so với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trước đây như Hiệp định CPTPP.

EVFTA cũng hướng đến sự tham gia rộng rãi của người dân, đoàn thể, các tổ chức đại diện cho tiếng nói của các tầng lớp xã hội cũng như truyền thông vào quá trình hoạch định chính sách. Đây là cơ chế hoàn toàn mới, được xây dựng dựa trên các nền tảng hoạt động của một nhà nước kiến tạo đề cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước với người dân, các tổ chức đại diện và cộng đồng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các nội dung trong EVFTA về hợp tác chặt chẽ trong chống biến đổi khí hậu, chống đánh bắt cá bất hợp pháp, tăng cường sử dụng các nguồn nhiên liệu tái tạo… cũng được coi là cơ sở để đảm bảo phát triển bền vững, không hy sinh các lợi ích môi trường trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế.

Ngoài ra, với việc thực thi các cam kết trong EVFTA, môi trường kinh doanh và chính sách, pháp luật Việt Nam sẽ có những thay đổi, cải thiện theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Đơn cử như việc chấp nhận các nguyên tắc quốc tế trong đấu thầu, tuy không dễ, nhưng nếu làm tốt, sẽ có thể giúp chúng ta cải thiện đáng kể hiệu quả của mua sắm công.

Các cam kết sâu rộng về dịch vụ và đầu tư cũng sẽ góp phần thúc đẩy cải cách theo hướng tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào một số lĩnh vực có tiềm năng phát triển trong tương lai để hướng đến chuỗi cung ứng mới hình thành khi Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi.

“Với kết quả tích cực ngày hôm nay, thời gian tới đây, chúng tôi sẽ đẩy nhanh quy trình pháp lý để sớm thảo luận và thông qua EVFTA, sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý để trình Chủ tịch nước”, ông Tuấn Anh cho hay.

Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), ông Nicolas Audier cũng nhấn mạnh: “Đây là thời khắc lịch sử của quan hệ Châu Âu - Việt Nam, mở ra một chương mới về tăng cường thương mại và đầu tư giữa hai phía”.

“Không chỉ gói gọn trong các hoạt động đầu tư thương mại, hiệp định này còn cải thiện sinh kế, mức sống và mở ra nhiều cơ hội mới cho người dân Việt Nam”, ông Nicolas Audier nói thêm.

Theo dõi thông tin dịch cúm virus corona phát trên các bản tin của kênh VTC1, VTC14, VTC16, ứng dụng VTC Now và liên tục cập nhật trên VTC News.

C.HIẾU - H.BÌNH

Tags: Evfta Bộ Công Thương Liên Minh Châu Âu Việt Nam Hiệp Định Bảo Hộ Đầu Tư