Hoạt động ngân hàng bước vào cuộc tái định vị lớn

Hoạt động ngân hàng bước vào cuộc tái định vị lớn
Hoạt động ngân hàng tại Việt Nam đang và sẽ phải định vị lại, thậm chí cả về chiến lược, sau loạt điều chính chính sách.

Trong một dự báo nội bộ đưa ra tuần này, một số cán bộ chuyên trách lĩnh vực nghiên cứu thị trường tại ngân hàng thương mại có cùng dự tính: kết thúc năm nay, lãi suất VND kỳ hạn 1 tuần trên thị trường liên ngân hàng sẽ tiếp tục neo ở mức cao, vào khoảng 4,1-4,5%/năm.

Chi phí cân đối thanh khoản của các ngân hàng cần kênh này theo đó sẽ đội lên, khoảng gấp đôi so với đầu quý III.

Một phần có yếu tố mùa vụ cuối năm. Nhưng một tác động khác được chú ý: sau khi Kho bạc Nhà nước kết chuyển nguồn tiền gửi thanh toán về Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức này cũng không rải ra thường trực và chủ động tại các ngân hàng liên quan như trước, cú hẫng nguồn tiền gửi đã gây sốc lãi suất trên liên ngân hàng.

Đó là một thay đổi điển hình của chính sách vừa diễn ra, trong loạt điều chỉnh dồn dập diễn ra gần đây, có và sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động hệ thống.

Dồn vào cuối năm, Ngân hàng Nhà nước như tập trung xử lý tiến độ tồn đọng của hoàn thiện cơ chế chính sách. Loạt văn bản mới vừa được ban hành, điều chỉnh diện rộng đến hoạt động của nhiều mảng, nhiều lĩnh vực và phủ nhiều khía cạnh hoạt động các tổ chức tín dụng.

Đó là những quy định mới về trung gian thanh toán, ví điện tử; về cho vay tiêu dùng, giới hạn cho vay tiêu dùng bằng tiền mặt; về cơ chế và mục đích cho vay tái cấp vốn; đặc biệt là quy định cuối cùng về lộ trình thực hiện các giới hạn, tỷ lệ an toàn mới trong hoạt động các tổ chức tín dụng, mà nổi bật về siết giới hạn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, áp và nâng hệ số rủi ro cao với các nhóm đối tượng có liên quan đến bất động sản…

Chỉ ở một khía cạnh, ngay về mặt thông tin định hướng, chính thị trường cũng đã phải tự tái định vị góc nhìn những tác động đó. Sau cả một tháng ban hành, những chính sách trên vẫn còn nhiều băn khoăn, thảo luận, nhận định và lập luận các hướng tác động trong dòng chảy thông tin trên thị trường. Điều đó hàm ý hoạt động của các chủ thể liên quan tới đây sẽ có thay đổi.

Thay đổi đó thậm chí mang tính chiến lược, hoặc có thể nói chiến lược hoạt động của họ buộc phải thay đổi.

Ví như, với công ty tài chính tiêu dùng, những quy định mới, giới hạn mới về cho vay bằng tiền mặt, hạn mức thẻ tín dụng… có ảnh hưởng sâu sắc tới khách hàng và có thể ảnh hưởng đến doanh số, phải cần một thời gian tạo dịch chuyển các phân khúc, sản phẩm để cân đối lại.

Hay với các ngân hàng thương mại, khẩu vị rủi ro chắc chắn cũng phải thay đổi, khi nhóm khách hàng cá nhân có dư nợ các món lớn sẽ chịu ảnh hưởng bởi hệ số rủi ro cao hơn. Các ngân hàng thương mại cũng sẽ phải tái định vị lại cấu trúc tài sản.

Mỗi tổ chức tín dụng là một cỗ máy lớn, thậm chí với quy mô tổng tài sản trên 1 triệu tỷ đồng, mỗi thay đổi hoặc dịch chuyển phân khúc để tái định vị theo điều chỉnh chính sách cần có thời gian, khó có thể linh hoạt và uyển chuyển ngay. Chính sách cũng có lộ trình. Theo đó, cuộc tái định vị lần này sẽ thể hiện dần theo thời gian.

Ảnh: Internet

 

Tiếp theo sẽ là gì?

Với thị trường, sau quyết định giảm đồng loạt các lãi suất điều hành hồi tháng 9/2019, tính hợp lý và lường tính trước được đặt trong bối cảnh xu hướng giảm lãi suất và nới lỏng thể hiện rõ trên thế giới… Khi lường tính trước, các chủ thể trên thị trường có thể chủ động trong điều chỉnh hành vi, thích ứng.

Và vừa qua, trước thềm mùa cao điểm thanh toán chi trả cuối năm, cũng như trước xu hướng tăng lãi suất có phần căng thẳng tại nhiều ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ hạ trần lãi suất tiền gửi và trần lãi suất cho vay một số nhóm đối tượng.

Ngay sau đó, lãi suất trên thị trường mở (OMO) cũng giảm mạnh và dứt khoát, từ 4,5%/năm xuống 4%/năm. Dứt khoát vì lãi suất này có tính cố định rất lớn trong nhiều năm qua.

Giảm lãi suất, tỷ giá có thể ảnh hưởng theo hướng đồng nội tệ bớt giá trị. Thế nhưng, vừa qua, thêm một điều chỉnh đáng chú ý nữa: Ngân hàng Nhà nước giảm khá mạnh giá mua vào USD. Diễn biến này khiến hoạt động kinh doanh ngoại tệ của các ngân hàng chắc chắn cũng đang phải tính toán lại. Và cũng có góc nhìn, nếu nhà điều hành không yết giá chặn mua như hiện nay, tỷ giá có thể còn rơi nữa (VND lên giá).

Một loạt các lãi suất quan trọng đã và vừa có điều chỉnh. Cấu phần cân đối nguồn cũng có thay đổi (tiền gửi Kho bạc Nhà nước). Các thị trường, các kênh vốn cũng vừa thay đổi, thậm chí biến động mạnh hoặc đảo chiều như trên liên ngân hàng, bơm - hút vốn qua OMO…

Như trên, loạt chính sách vừa ban hành, loạt điều chỉnh vừa thực hiện, riêng khía cạnh thông tin đến cả tháng vẫn còn những bàn luận để định hình, thì câu hỏi “Tiếp theo sẽ là gì?” càng trở nên quan trọng. Trả lời câu hỏi này, mỗi chủ thể trên thị trường có thêm chủ động, thậm chí đi trước hoặc tạo được ứng xử hợp lý trước.

Còn ở bước gần kề, năm 2019 chỉ còn tính từng ngày. Năm 2020 đã gần kề. Dấu mốc chuyển tiếp thời gian này trở nên quan trọng, vì bước sang một năm mới, các chỉ tiêu cũng được tái định vị, nhiều giới hạn được “refresh” để mở ra những vòng quay mới.

Minh Đức

Tags: Lãi Suất Tỷ Giá Ngân Hàng Nhà Nước Tín Dụng Tiêu Dùng Ví Điện Tử Ngân Hàng Tiền Mặt Vnd