Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Manufacturing Purchasing Managers Index (PMI) hàng tháng được thực hiện bằng cách khảo sát lãnh đạo các công ty tư nhân ngành sản xuất, dịch vụ, góp phần đánh giá sức khỏe chung của cả nền kinh tế. PMI được giới kinh doanh sử dụng để hiểu xu hướng thị trường đang mở rộng, đứng yên hay co lại, tùy vào tăng hay giảm so với mức tham chiếu 50 điểm.
PMI của Việt Nam chỉ đạt 32,7 điểm trong tháng 4 và là mức thấp chưa từng có trong lịch sử 9 năm IHS Markit thu thập dữ liệu về Việt Nam. Tháng 3, PMI đạt 41,9 điểm. "Điều này cho thấy một tháng suy giảm kỷ lục của sức khỏe lĩnh vực sản xuất", báo cáo của IHS Markit viết.
Andrew Harker, Giám đốc kinh tế tại IHS Markit, nhận xét, PMI tháng 4 cho thấy sự ảnh hưởng nặng nề mà Covid-19 và các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh gây ra cho lĩnh vực sản xuất Việt Nam. Dữ liệu cũng cho thấy mức giảm chưa từng có của lĩnh vực sản xuất, dẫn đầu là sự suy giảm của sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới.
Cả hai tham số này đều giảm nghiêm trọng trong tháng 4 khi các đơn hàng bị hủy và các công ty ngừng hoạt động. Mức giảm của tổng đơn đặt hàng mới không mạnh bằng của riêng số lượng đơn xuất khẩu mới, cho thấy ảnh hưởng đại dịch lên các thị trường trên thế giới.
Khoảng hai phần ba số người trả lời khảo sát cho biết sản lượng sản xuất giảm trong tháng. Việc thiếu các đơn đặt hàng mới dẫn đến giảm mạnh lượng công việc, từ đó các nhà sản xuất phải giảm lực lượng lao động. Một số báo cáo cũng cho thấy tình trạng nhân viên nghỉ việc lan rộng. Tháng 4 là tháng thứ hai liên tiếp có mức độ giảm việc làm và mạnh nhất kể từ khi chỉ số này được ghi nhận.
Hoạt động mua hàng cũng giảm. Tình trạng nhập khẩu hàng hóa khó khăn, khan hiếm nguyên vật liệu và những trở ngại với hoạt động đi lại khiến thời gian giao hàng của nhà cung cấp bị kéo dài.
Đây cũng là tháng thứ ba liên tiếp giá bán đầu ra giảm khi chi phí đầu vào tiếp tục ở mức thấp, vì thiếu nhu cầu hàng hóa đầu vào và giá dầu lao dốc. Tốc độ giảm của chỉ tiêu này mạnh và nhanh nhất trong lịch sử khảo sát, tương đương với tốc độ giảm trong tháng 6/2012.
Trong khi đó, tâm lý kinh doanh cũng trở nên tiêu cực. Lần đầu tiên trong lịch sử khảo sát, các công ty có thái độ tiêu cực về triển vọng sản xuất trong năm tới. Tâm lý kinh doanh đã xấu đi khi có những lo ngại ảnh hưởng của đại dịch có thể kéo dài. Khoảng 40% số người trả lời khảo sát cho rằng triển vọng là tiêu cực trong tháng 4.
"Việc tháng 4 có là tháng suy thoái tồi tệ nhất hay không sẽ tùy thuộc vào cách mà các công ty và khách hàng phản ứng với sự nới lỏng phong tỏa", Andrew Harker cho biết.