Phong phú các mặt hàng nông sản
Theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ nông sản, hàng hóa tăng cao hơn các tháng bình thường từ 10 - 20%, trong khi các sản phẩm nông sản thực phẩm của Hà Nội chưa đáp được nhu cầu của NTD Thủ đô. Chính vì vậy, để hạn chế tình trạng khan hàng, tăng giá bất hợp lý, ngành công thương và DN đã tăng cường kết nối giao thương tiêu thụ hàng nội.
Hội chợ hàng hóa nông sản thực phẩm Tết quy tụ khoảng 250 gian hàng và các khu trưng bày, giới thiệu của hơn 170 DN, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh của Hà Nội và 20 tỉnh, TP. Tại đó, các DN giới thiệu tới NTD Thủ đô hàng nghìn loại sản phẩm hàng hóa nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP… phục vụ Tết. Trong khuôn khổ hội chợ, có 22 quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, nông sản thực phẩm có thế mạnh.
Tại hội chợ Tết Canh Tý năm nay Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh - Saigon Co.op tổ chức khu trưng bày, giới thiệu hoạt động, hình ảnh DN, đưa sản phẩm nông sản, thủy sản các tỉnh phía Nam ra phục vụ nhu cầu NTD Hà Nội. Công ty TNHH Biển Đông (Nam Định) với công suất giết mổ 300 con lợn/ngày, bảo đảm có thể cung cấp từ 500 – 1.000 con lợn/ngày, đáp ứng được nhu cầu mặt hàng thịt lợn cho Nhân dân Thủ đô.
Nhằm quảng bá thương hiệu, sản phẩm đến NTD Hà Nội và cả nước, tại hội chợ còn có các khu giới thiệu, quảng bá mô hình, website chonhaminh.gov.vn, sản phẩm OCOP và nông sản thực phẩm TP Hà Nội.
Kết nối doanh nghiệp sản xuất với bán lẻ
Các DN tham gia hội chợ có chung mong muốn thông qua hội chợ, DN sẽ tiếp cận được NTD Hà Nội, đồng thời có cơ hội gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm tới các DN, siêu thị, trung tâm bán lẻ để kết nối cung - cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hội chợ không chỉ thu hút DN, hợp tác xã sản xuất mà có sự tham gia của các kênh bán lẻ lớn như BigC, Co.opmart, Vinmart… tổ chức khu giới thiệu, bày bán thực phẩm chế biến, thủy hải sản và những mặt hàng thực phẩm thay thế sản phẩm thịt lợn và các loại hàng hóa khác phục vụ Tết.
Về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở Công Thương Hà Nội yêu cầu các DN tham gia hội chợ phải có đầy đủ giấy tờ xác nhận là đặc sản của địa phương; Giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP do Sở Công Thương các tỉnh, thành xác nhận; Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa. Đặc biệt, sản phẩm phải được đóng gói kín hoặc đựng trong lọ, hộp có nắp đậy, có phương tiện che đậy, tránh bụi, côn trùng gây mất vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm đóng gói phải ghi rõ định lượng, định tính...
Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội đã đề nghị Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Chi cục VSATTP... thường xuyên giám sát, kiểm tra nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trưng bày, buôn bán tại hội chợ, đặc biệt là công tác VSATTP, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo đúng quy định.
Việc Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Hội chợ Hàng hóa nông sản thực phẩm Tết Nguyên đán đã tạo cơ hội cho DN Hà Nội và các tỉnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản thực phẩm tới người dân Thủ đô, qua đó ngăn chặn tình trạng khan hàng sốt giá. Đồng thời, NTD có thêm cơ hội tiếp cận, tìm hiểu, mua sắm hàng hóa có chất lượng giá cả phù hợp, nhận biết được các sản phẩm tốt, uy tín, qua đó tạo động lực để DN nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân.
"Hội chợ hàng hóa nông sản thực phẩm Tết Nguyên đán đã thể hiện sự quyết tâm của các DN trong việc quảng bá hình ảnh, sản phẩm đến NTD Thủ đô và cả nước, góp phần triển khai mạnh mẽ Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Thông qua hội chợ, ngành công thương Thủ đô đã hỗ trợ DN, bà con nông dân quảng bá, tiêu thụ nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP, góp phần kết nối cung cầu, bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020." - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan |
Lê Nam