Số lượng doanh nghiệp quy mô lớn và vừa của Việt Nam còn khá khiêm tốn
Trong khuôn khổ sự kiện, người đứng đầu Chính phủ sẽ lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia, hiệp hội, tổ chức quốc tế... đề xuất các giải pháp và cam kết nỗ lực cùng Chính phủ thúc đẩy lực lượng doanh nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Các bộ trưởng, thành viên Chính phủ sẽ đối thoại trực tiếp với các cộng đồng doanh nghiệp trong việc đảm bảo môi trường đầu kinh doanh an toàn và thuận lợi, các chính sách, chương trình, hành động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Nhiều sự kiện cũng sẽ được tổ chức bên lề hội nghị, như tổ chức trưng bày sản phẩm, dịch vụ, công nghệ, máy móc thiết bị của một số tập đoàn và doanh nghiệp tiêu biểu...
Những năm gần đây, việc thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần doanh nhân được Đảng và Chính phủ quan tâm hơn bao giờ hết. Lần đầu tiên, có 3 Nghị quyết dành riêng cho 3 khu vực kinh tế đã được ban hành. Đó là: Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3-6-2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Nghị quyết số 10/NQ-TW ngày 3-6-2017, Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và mới đây nhất là Nghị quyết số 50/NQ -TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Hàng loạt các cải cách mạnh mẽ về môi trường đầu tư kinh doanh thông qua việc hoàn thiện chính sách pháp luật đã được Quốc hội ban hành. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Nhờ đó, tinh thần khởi nghiệp kinh doanh ngày càng mạnh mẽ, thể hiện qua số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao liên tục trong 5 năm gần đây. Trung bình giai đoạn 2016-2019, mỗi năm có trên 126.000 doanh nghiệp thành lập mới. Năm 2019, dự kiến đạt 136.000 doanh nghiệp thành lập mới, tổng số vốn đăng ký khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên khoảng 760.000 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sự phát triển của khu vực doanh nghiệp vẫn còn chưa thực sự hiệu quả và bền vững. Mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng nhưng tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng kinh doanh vẫn còn ở mức cao. Tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể so với tổng số doanh nghiệp thành lập mới hàng năm trong giai đoạn 2017- 2019 trung bình khoảng 58,1%. Trong đó: năm 2017 là 57,3%; năm 2018 là 67,7% và 11 tháng đầu năm 2019 là 49,4%. Số lượng doanh nghiệp quy mô lớn và vừa của Việt Nam cũng còn khá khiêm tốn so với cấu trúc tại các nền kinh tế khác có khu vực doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.
Anh Phương