Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, số thuế xe nhập khẩu phải thu hết tháng 11/2019 đã tăng hơn 19.300 tỷ đồng (840 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước, đạt ngưỡng 38.200 tỷ đồng (1,6 tỷ USD). Đây là mức thuế tăng mạnh nhất từ trước đến nay và bù đắp vào hụt thu ngân sách do thuế nhập xe từ ASEAN được cắt bỏ từ năm 2018.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), 11 tháng đầu năm, số lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu đạt 135.230 chiếc, trị giá đạt 2,91 tỷ USD, tăng 100,4% về lượng và tăng 97,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Hải quan, cộng với số thu từ dầu thô nhập khẩu, thuế phải thu đối với xe hơi nhập nguyên chiếc 11 tháng qua đạt 46.080 tỷ đồng, tăng 21.614 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018.
Với ô tô nhập khẩu, số thuế phải thu của hải quan là thuế suất thuế nhập khẩu theo % tuỳ vào từng thị trường (đối với xe nhập từ ASEAN như Thái Lan, Indonesia, mức thuế này bằng 0%); ngoài ra còn các sắc thuế khác như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt…
Hiện, trên 80% lượng xe con dưới 9 chỗ ngồi vào Việt Nam là được nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia, do đó thuế nhập khẩu mặt hàng này không còn. Tuy nhiên, các loại xe này vẫn phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt tương đối lớn từ 35% đến 50% tuỳ theo dung tích xy-lanh của xe hơi.
Ngoài 80% xe nhập từ Thái Lan, Indonesia, xe nhập các thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Anh, Mỹ... vẫn phải chịu mức thuế nhập từ 45% đến 75% theo mức thuế MFN (ưu đãi tối huệ quốc dành cho các quốc gia thành viên WTO).
Theo Cục Thuế xuất nhập khẩu, số thuế phải thu liên quan đến xe hơi chủ yếu là thuế nội địa, do đó việc bỏ thuế nhập khẩu dù tác động khiến thất thu thuế song sự bù đắp thuế nhập khẩu đã khiến hụt thu giảm đi.
Hiện các mẫu xe nhập vào Việt Nam có mức giá khai báo trị giá tính thuế hải quan 400 triệu đồng, như vậy, mức thuế tiêu thụ đặc biệt thấp nhất đối với xe hơi đã rơi vào khoảng 140 triệu đồng/chiếc.
Ngoài xe ô tô nguyên chiếc chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cao, các loại linh kiện nhập khẩu xe hơi cũng gánh thuế tương đối. Hết tháng 11/2019, các doanh nghiệp lắp ráp xe hơi đã nhập khẩu linh kiện xe hơi đạt kim ngạch 3,8 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Với mức thuế linh kiện vẫn áp dụng từ 30% trở lên, các loại xe lắp ráp trong nước hiện vẫn phải gánh chi phí rất lớn để cạnh tranh với các dòng xe nhập khẩu.
Theo thông tin, Bộ Tài chính đang đề xuất Chính phủ, Quốc hội sửa đổi chính sách ưu đãi thuế đối với xe hơi nhằm cắt bỏ thuế nhập khẩu đối với linh kiện xe hơi nhập của các doanh nghiệp xe tại Việt Nam. Đồng thời, các linh kiện của các mẫu xe ưu tiên sẽ có lộ trình cắt giảm, tiến đến bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt tại Việt Nam.
Nếu các đề xuất này được thông qua, chắc chắn lợi thế rất lớn sẽ thuộc về doanh nghiệp nội địa trong bối cảnh cắt giảm chi phí đang là ưu tiên để xe trong nước cạnh tranh được với xe nhập bỏ thuế ngay trên sân nhà của mình.
An Linh