Huba kiến nghị 5 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch

Huba kiến nghị 5 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch
Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (Huba) vừa có báo nhanh (số 4) gửi UBND TPHCM về tình hình của các doanh nghiệp (DN) qua tác động của đại dịch Covid-19.

Theo báo cáo này, tình hình hoạt động của các DN thành phố nhìn chung đều gặp khó khăn và phần lớn đều cần đến các nguồn hỗ trợ.

Cụ thể, đối với các DN bị thiệt hại hiện đang có các nhu cầu được hỗ trợ để khôi phục hoạt động sau dịch, gồm: Vay tiền không tính lãi hoặc (được bù lãi vay) để trả lương, giữ chân người lao động; vay vốn lưu động ngắn hạn để sản xuất các sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân; Vay vốn trung hạn đầu tư đối mới thiết bị và ứng dụng công nghệ mới và chuyển đổi số... phù hợp với nhu cầu tái cơ cấu sản xuất và tái cơ cấu DN;

Người lao động trong DN nhanh chóng nhận được khoản trợ cấp theo chính sách để giảm bớt khó khăn và ổn định đời sống; DN cần nhận được thông tin về chính sách hỗ trợ của Nhà nước nắm được các điều kiện để hưởng hỗ trợ và biết được đầu mối giải quyết là những cơ quan nào được phân công thực hiện để liên hệ.

Trước tình hình thực tế của các DN, Huba kiến nghị:

Thứ nhất, Nhà nước cần hỗ trợ DN mở rộng khả năng tiêu thụ sản phẩm ngay tại thị trường trong nước. Theo đó cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, kể cả các gói mua sắm công, tuyên truyền vận động DN sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau, tổ chức nhiều chương trình kết nối cung cầu, kết nối DN (B2B) và xây dựng tiêu chí ưu tiên cho DN trong nước tham gia đấu thầu, xét chọn nhà thầu các dự án đầu tư công.

Thứ hai, Thành phố đã có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí cho các cơ sở đào tạo nhưng chưa hấp dẫn và thu hút sự tham gia. Báo cáo kiến nghị Thành phố nên có chính sách hỗ trợ cho DN đào tạo tại chỗ nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực hiệu quả hơn.

Thứ ba, dịch bệnh lần này đã khiến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đều bị thiệt hại nghiêm trọng trực tiếp hoặc gián tiếp, do vậy khi xây dựng tiêu chí cần mở rộng đối tượng DN được hỗ trợ cùng với thủ tục đơn giản nhất.

Thứ tư, nên kéo dài thời gian nợ thuế đến cuối năm để tạo cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh, thay vì 3-5 tháng là quá ngắn và kiến nghị Nhà nước có chính sách sẵn sàng giải cứu DN khi có nguy cơ bị mua lại.

Thứ năm, Thành phố nên thành lập một tổ công tác để theo dõi, đôn đốc giải quyết các chính sách hỗ trợ DN và hỗ trợ người lao động.

Nguyễn Huế

Tags: Huba Tác Động Của Đại Dịch Covid-19 Phục Hồi Sau Dịch Khó Khăn Thiệt Hại Hỗ Trợ Vay Tiền Bù Lãi Vay Giữ Chân Người Lao Động Vay Vốn Lưu Động Đầu Tư Tái Cơ Cấu Sản Xuất Mở Rộng Khả Năng Tiêu Thụ