IMF: Việt Nam tăng trưởng 2,7% năm 2020 nhưng nhảy vọt lên 7% vào năm sau

IMF: Việt Nam tăng trưởng 2,7% năm 2020 nhưng nhảy vọt lên 7% vào năm sau
IMF dự báo kinh tế Việt Nam năm nay tăng trưởng 2,7%, cao hơn so với nhiều nền kinh tế trong khu vực...

Cụ thể, theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới 2020 đăng trên website Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) thì tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 và 2021 dự báo lần lượt là 2,7% và 7%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay dự báo là 3,2%, thấp hơn mục tiêu 4% do Chính phủ đặt ra.

Việt Nam là quốc gia có triển vọng tăng trưởng tốt nhất trong ASEAN 5 (4 nước còn lại gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines). Ngoài Việt Nam, Philippines và Indonesia cũng được dự báo tăng trưởng dương trong năm nay, lần lượt là 0,6% và 0,5%. Trong khi đó, Thái Lan và Malaysia nguy cơ tăng trưởng âm, -6,7% và -1,7%.

Nhóm ASEAN-5 được dự đoán sẽ tăng trưởng trung bình 7,8% trong năm 2021. Cụ thể, Việt Nam tăng trưởng 7%, Indonesia 8,2%, Malaysia 9%, Thái Lan 6,1% và Philippines 7,6%.

Hồi đầu tháng 4, Ngân hàng Thế giới cho rằng Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm nay. Con số Fitch Solutions đưa ra là 2,8%.

Mới đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch cũng đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 là 3,3%, cao hơn mức dự báo 2,7% của IMF.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý I là 3,8%, thấp nhất 10 năm, do hoạt động kinh doanh và du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Năm ngoái, tăng trưởng GDP Việt Nam là 7,02%, cao thứ hai trong thập kỷ, chỉ sau năm 2018, tăng trưởng 7,08%.

IMF cũng dự báo năm 2020, GDP toàn cầu dự kiến giảm 3% - mức giảm kỷ lục kể từ “Đại suy thoái” những năm 1930. Dịch COVID-19 sẽ đạt đỉnh ở hầu hết quốc gia trong quý II và giảm dần trong nửa cuối năm. Các hoạt động kinh doanh sẽ được khôi phục do những lệnh phong toả được nới lỏng.

Tuy nhiên, nếu đại dịch kéo sang quý III thì GDP toàn cầu năm 2020 có thể giảm thêm 3% và khả năng phục hồi vào năm 2021 cũng chậm hơn, do ảnh hưởng từ phá sản và thất nghiệp kéo dài.

Nếu xảy ra kịch bản xấu, có một đợt dịch thứ 2 bùng phát thứ vào năm 2021, buộc phải ngừng hoạt động nhiều hơn, có thể làm giảm 5 đến 8 điểm phần trăm trong dự báo cơ sở GDP toàn cầu cho năm đó, khiến thế giới suy thoái trong năm thứ hai liên tiếp.

Linh Nga

Tags: Dự Báo Kinh Tế Tăng Trưởng Tăng Trưởng Gdp Suy Thoái Kinh Tế Imf Gdp Toàn Cầu Cách Ly Xã Hội Dừng Sản Xuất Xuất Khẩu Cán Cân Thương Mại Ngân Hàng Thế Giới