Iran chấm dứt thỏa thuận hạt nhân lịch sử

Iran chấm dứt thỏa thuận hạt nhân lịch sử
Iran đã tuyên bố sẽ hủy bỏ mọi cam kết của thỏa thuận hạt nhân năm 2015, đồng nghĩa với việc nước này sẽ không còn bị giới hạn trong việc nghiên cứu và làm giàu uranium.

Theo hãng tin nhà nước Iran IRNA, ngày 5-1, chính phủ Iran đã tuyên bố sẽ chấm dứt mọi cam kết theo Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) còn được biết đến với tên gọi thoả thuận hạt nhân Iran, được ký kết vào năm 2015 giữa Iran và các nước P5+1 (Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, Mỹ, Đức) và Liên minh châu Âu.

Thông báo trên được đưa ra sau cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia Iran nhằm thảo luận về chính sách hạt nhân của nước này, sau khi Thiếu Tướng Qasem Soleimani bị Mỹ không kích giết chết bên ngoài sân bay quốc tế tại Baghdad (Iraq).

"Iran sẽ chấm dứt giới hạn cuối cùng trong thỏa thuận hạt nhân liên quan đến giới hạn số lượng máy li tâm. Do vậy, chương trình hạt nhân của Iran sẽ không có giới hạn nào trong việc sản xuất, bao gồm cả khả năng làm giàu, phần trăm làm giàu và số lượng của uranium đã làm giàu và việc nghiên cứu mở rộng" - tuyên bố trên cho biết.

Tuy nhiên, chính phủ Iran cũng khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), và sẽ quay lại với thỏa thuận hạt nhân trên nếu việc cấm vận được dỡ bỏ và lợi ích của Iran được đảm bảo.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Iran nhiều lần dần rút khỏi thỏa thuận hạt nhân trong năm 2019. Trước đó, vào năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận và sau đó áp đặt hàng loạt các lệnh trừng phạt nặng nhằm làm kiệt quệ kinh tế Iran.

Theo điều khoản của thỏa thuận hạt nhân 2015, Iran sẽ giới hạn các hoạt động hạt nhân nhạy cảm và cho phép IAEA truy cập thường xuyên vào tất cả các cơ sở hạt nhân của nước này nhằm đổi lấy việc chấm dứt các lệnh cấm vận kinh tế.

Quang Tuệ

Tags: Chấm Dứt Thỏa Thuận Hạt Nhân Iran Làm Giàu Uranium Mỹ Không Kích Iran