Kế ‘rung cây’ của Tổng thống Trump đã có tác dụng với Bắc Kinh? (Nguồn: Scmp)
Việc Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào ngày 15/1 là một chiến thắng có ý nghĩa và là một thành tích đối với chiến lược Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thành tích của Tổng thống Trump
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã nhanh chóng thực hiện việc áp đặt các mức thuế quan nhằm gây sức ép và buộc Trung Quốc chấm dứt các hoạt động thương mại mà Mỹ cho là không công bằng. Tuy nhiên, quyết định trên của ông Trump vấp phải sự phản đối mạnh mẽ không ngừng từ những người chỉ trích, khi cho rằng cuộc chiến thương mại mà ông phát động sẽ khiến kinh tế Mỹ suy sụp.
Trung Quốc phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn là Mỹ phụ thuộc vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Chính vì vậy, thuế quan đã phá hủy sự cân bằng mong manh của các thị trường do nhà nước Trung Quốc quản lý. Năm 2019, Trung Quốc đã công bố tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ba quý liên tiếp ở mức khoảng 6%. Trong quý III/2019, GDP của quốc gia này ở mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ trở lại đây.
Trên thực tế, con số trên còn có thể thấp hơn con số công bố chính thức, bởi trong nhiều năm nay các nhà kinh tế đã nghi ngờ về tính chính xác của dữ liệu kinh tế chính thức của Trung Quốc. Thậm chí, không có gì ngạc nhiên nếu GDP của Trung Quốc chỉ nằm trong khoảng 0-2%, nếu như dựa vào các cuộc thảo luận với các doanh nghiệp châu Á cũng như kinh nghiệm cá nhân của nhà phân tích.
Trong nhiều năm qua, các tập đoàn kinh tế Trung Quốc bị buộc tội đã ăn cắp trắng trợn quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ và bán hàng ồ ạt sang thị trường Mỹ, vi phạm luật pháp của nước này. Trong khi đó, Bắc Kinh được cho là thường xuyên trợ cấp cho các ngành công nghiệp chiến lược như viễn thông và năng lượng, yêu cầu các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ của họ để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc và thao túng tiền tệ để tạo lợi thế thương mại cho các công ty Trung Quốc.
Tuy nhiên, Chính quyền các đời Tổng thống tiền nhiệm của Tổng thống Trump từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã không áp dụng đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc mà theo quan điểm thỏa hiệp. Các đồng minh của Mỹ cũng đi theo còn đường xoa dịu. Chính vì vậy, Trung Quốc đã có được thặng dư thương mại khổng lồ, giúp quốc gia này thúc đẩy sự gia tăng mạnh mẽ trong chi tiêu quân sự và đầu tư cơ sở hạ tầng chiến lược ở Đông Á và hơn thế nữa.
Cách buộc Bắc Kinh ngồi vào bàn đàm phán
Tổng thống Trump nhận ra rằng, cách duy nhất để đạt được thương mại công bằng với Trung Quốc là buộc Bắc Kinh phải ngồi vào bàn đàm phán. Bằng cách áp đặt thuế quan cao, Tổng thống Trump chấm dứt chính sách nhân nhượng và xoa dịu trước đây của các đời Tổng thống tiền nhiệm. Tổng thống Trump đã ban hành một số quy định cũng như chính sách cải cách thuế giúp Mỹ có thể chống chọi được một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Chính quyền Tổng thống Trump cũng tiến hành đàm phán lại các thỏa thuận song phương với Nhật Bản, Hàn Quốc và thỏa thuận với Mexico và Canada. Điều này khiến Trung Quốc nhận thấy sức mạnh quyền lực của Mỹ và sự sẵn sàng của Chính quyền Tổng thống Trump trong việc sử dụng sức mạnh đó.
Chính sách của Tổng thống Trump đã phát huy tác dụng khi mức thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã giảm trong năm 2019. Tháng 11/2019, thâm hụt thương mại toàn cầu của Mỹ đã xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016, nhờ sự cải thiện đáng kể trong cán cân thương mại với Trung Quốc. Chỉ riêng trong tháng 11, thâm hụt thương mại với Trung Quốc đã giảm 2,2 tỷ USD, xuất khẩu tăng 1,4 tỷ USD và nhập khẩu giảm 800 triệu USD. Những con số này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP quý III/2019 của Mỹ.
Việc tăng thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc khiến một loạt các công ty Mỹ ở Trung Quốc tìm cách dịch chuyển chuỗi sản xuất sang các nước có chi phí thấp hơn, trong số đó phải kể tới các tên tuổi công nghệ khổng lồ như HP, Dell và Microsoft, cũng như các nhà bán lẻ lớn.
Khi một doanh nghiệp phải trả chi phí để chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, thì khó có khả năng họ sẽ quay trở lại. Một số giám đốc điều hành của các công ty là các nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất ở Trung Quốc cho biết, họ đang đánh giá rủi ro ở Trung Quốc và sẽ không tiếp tục đầu tư vào quốc gia này.
Sau các cuộc đàm phán, các nhà đàm phán Trung Quốc hiện đã phải chấp nhận thực tế. Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, Bắc Kinh đã đồng ý cải cách cấu trúc và những thay đổi khác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, nông nghiệp, dịch vụ tài chính, tiền tệ và ngoại hối như một phần của thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã cam kết mua hàng xuất khẩu của Mỹ ít nhất là 200 tỷ USD trong hai năm tới, qua đó giúp giảm hơn nữa thâm hụt thương mại giữa hai nước và đem lại lợi ích cho nông dân Mỹ, những người phải gánh chịu hậu quả của cuộc chiến thương mại kéo dài trong gần 2 năm qua.
Chu Văn (theo Wall Street Journal)