Khả quan kim ngạch xuất khẩu

Khả quan kim ngạch xuất khẩu
Theo Bộ Công thương, tính đến nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã cán mức 264 tỷ USD, còn thiếu 4 tỷ USD để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đã đặt ra trong năm 2019. Tuy nhiên, về phía Bộ Công thương cho rằng, con số này sẽ đạt được khi thời khắc của năm 2019 kết thúc.

Cân đối giữa thị trường mới và truyền thống
Phân tích tình hình xuất khẩu chung của các ngành, Bộ Công thương cho biết, có 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD và 25 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Dẫn đầu vẫn là sản phẩm điện thoại và linh kiện với giá trị xuất khẩu đạt 48,7 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Kế đến là điện tử, máy tính và linh kiện đạt 32,4 tỷ USD.

Hàng dệt may dù có nỗ lực khai thác nhiều thị trường mới nhưng hiện chỉ mới đạt hơn 32 tỷ USD, tăng 8%. Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt mức trên 15 tỷ USD tập trung chủ yếu vào giày dép, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng. 

Riêng những mặt hàng thủy sản, rau củ quả, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, cao su… có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, hai mặt hàng là thủy sản và rau củ quả vốn được kỳ vọng là tăng đột biến trong năm nay nhưng không thể đảm bảo mục tiêu.

Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại huyện Hóc Môn, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Ở góc độ thị trường, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55,6 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước. Kế đến là thị trường ASEAN đạt 23,4 tỷ USD, tăng 2,4%.
Với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu 2019 tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng khi đạt 18,6 tỷ USD, tăng 7,6% (Nhật Bản) và 18,4 tỷ USD, tăng 10,1% (Hàn Quốc). Riêng với hai thị trường truyền thống là châu Âu và Trung Quốc thì ở chiều ngược lại khi kim ngạch xuất khẩu ghi nhận có sự sụt giảm nhẹ. 

Lý giải vấn đề này, về phía Bộ Công thương cho biết, dù có sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu từ một số thị trường truyền thống như châu Âu, Trung Quốc nhưng các doanh nghiệp trong nước đã và đang khai thác khá hiệu quả thị phần xuất khẩu từ các thị trường mới để bù đắp sự thiếu hụt kim ngạch xuất khẩu. Điều này xuất phát từ thực tế là các doanh nghiệp đã chủ động tận dụng khá tốt lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do. 

Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi trong các Hiệp định FTA tính đến hết tháng 11 năm 2019 đạt khoảng 39% so với tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các Hiệp định FTA. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu một số thị trường mới như Canada, Mexico tăng trưởng tốt ngay sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực.

Chỉ tính riêng trong năm 2019, cán cân thương mại xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các thị trường trên đã đạt thặng dư tới 10 tỷ USD - vượt chỉ tiêu kế hoạch, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều đạt hơn 500 tỷ USD và là năm thứ 4 liên tiếp có xuất siêu kể từ năm 2016.

Điều này đã đánh dấu mốc quan trọng trong hoạt động thương mại của Việt Nam, đồng thời tạo đà cho hoạt động xuất khẩu phát triển bền vững trong những năm tiếp theo. 

Xóa rào cản chuyên ngành, cú hích cho xuất khẩu

Theo các chuyên gia kinh tế, tuy Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu ở mức tốt là 7% trong năm 2019 nhưng mức tăng trưởng cao tập trung chủ yếu ở một số ngành mà doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Như mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện, sản phẩm máy tính và sản phẩm linh kiện điện tử; thiết bị dụng cụ, phụ tùng… 

Trong khi đó, một số ngành chủ lực xuất khẩu trong nước đang có xu hướng bão hòa và chững lại. Đơn cử, ngành dệt may, mục tiêu xuất khẩu trong năm 2019 đạt 40 tỷ USD nhưng cho đến nay chỉ mới đạt đạt 32 tỷ USD. Tương tự, ngành da giày là 21,5 tỷ USD nhưng hiện chỉ đạt gần 19 tỷ USD, thủy sản là 10 tỷ USD nhưng hiện chỉ mới đạt hơn 8 tỷ USD, rau củ quả là 4,2 tỷ USD nhưng đạt 3,5 tỷ USD, gỗ và các sản phẩm gỗ 11 tỷ USD nhưng chỉ đạt hơn 9 tỷ USD. 

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TPHCM nhận định, việc cải cách thủ tục hành chính và mở rộng thị trường của các bộ ngành liên quan đã bước đầu tạo ra những hiệu quả nhất định, duy trì đà tăng trưởng cho kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, những nút thắt về nguyên liệu sản xuất, rào cản chuyên ngành vẫn đang tiếp tục kìm hãm hoạt động sản xuất trong nước.

Cũng theo ông Hồng, nếu ngành chủ lực xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giày, nhựa, chế biến lương thực thực phẩm, chế tạo cơ khí… vẫn phải phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu chiếm 60% như hiện nay thì khó bứt phá kim ngạch xuất khẩu trong những năm tới. 

Do đó, Chính phủ cần có điều tiết trong thu hút đầu tư. Theo đó, cần có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp FDI sản xuất nguyên liệu mà doanh nghiệp trong nước đang phải nhập khẩu. Đi đôi với chính sách ưu tiên đó, cần có thêm biện pháp chế tài để buộc các doanh nghiệp FDI phải cung ứng nguyên liệu cho thị phần trong nước, tránh tình trạng như hiện nay là các doanh nghiệp này chỉ đầu tư để tận dụng lợi thế ưu đãi của nước ta.

Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương đề xuất Chính phủ nên gia tăng hậu kiểm và xử lý nghiêm các bộ ngành chưa thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, gây khó cho doanh nghiệp.

Trên thực tế, hiện đang tồn tại tình trạng nhiều bộ công bố giảm 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhưng thực chất là tăng thêm quy định, danh mục hàng hóa bị kiểm tra chuyên ngành, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Thậm chí, có những bộ trước đây không có kiểm tra chuyên ngành hàng hóa thì nay lại ban hành hàng loạt danh mục hàng hóa phải bị kiểm tra chuyên ngành… 

ÁI VÂN

Tags: Kim Ngạch Xuất Khẩu Xuất Khẩu Dệt May Thủy Sản