Khắc phục khó khăn mùa dịch bệnh: Chỉ 3% doanh nghiệp tập trung cải tiến sản phẩm, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển

Khắc phục khó khăn mùa dịch bệnh: Chỉ 3% doanh nghiệp tập trung cải tiến sản phẩm, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển
Kết quả khảo sát doanh nghiệp về giải pháp hành động nhằm khắc phục khó khăn do dịch Covid 19 lần 2 vừa được Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ vừa công bố mới đây cho thấy các doanh nghiệp đã chủ động có các giải pháp tích cực nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh, vượt khó khăn gây ra bởi dịch bệnh.

Khảo sát được Ban 4 tiến hành trên phạm vi toàn quốc từ ngày từ 07-13/4/2020 đối với 358 doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Cụ thể, theo số liệu công bố từ khảo sát, nếu như việc tìm khách hàng mới, tìm thị trường mới trong khảo sát đầu tháng 3/20201 chỉ có 7% doanh nghiệp trả lời đã chủ động tiến hành, thì đến khảo sát lần này tỷ lệ này đã tăng lên 16%.

Một số doanh nghiệp cũng thực hiện đồng thời các giải pháp khác như chuyển hướng kinh doanh (5% số doanh nghiệp trả lời), giảm giá thành sản phẩm đi đôi với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến quy trình tăng hiệu quả sản xuất (đều khoảng 4%). Tỷ lệ doanh nghiệp trả lời không có giải pháp là 10%, con số này trong khảo sát đầu tháng 3 là gần 20%.

So với thời điểm khảo sát đầu tháng 3/2020 của Ban IV, chỉ có 3% số doanh nghiệp trả lời có sử dụng nền tảng internet trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thì trong khảo sát lần này 52% số doanh nghiệp trả lời có sử dụng nền tảng internet để cho phép nhân viên làm việc online, hay sử dụng nền tảng internet để cung cấp dịch vụ trực tuyến như dạy học online, tư vấn online.

Đồng thời, nhiều doanh nghiệp cũng sử dụng nền tảng internet để đẩy mạnh hoạt động marketing và bán hàng. Các con số trên cho thấy các doanh nghiệp đã có sự nỗ lực, chủ động rất lớn để duy trì sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài.

Tuy nhiên, khảo sát của Ban IV cũng chỉ ra rằng mới chỉ 3% số doanh nghiệp cho biết áp dụng những giải pháp mang tính dài hạn và có ý nghĩa tiên quyết với sự tăng trưởng của doanh nghiệp như tập trung cải tiến sản phẩm, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển.

Tương tự như vậy, năng lực xây dựng phương án kinh doanh phòng ngừa rủi ro của các doanh nghiệp cũng thấp, chỉ có 2% doanh nghiệp trả lời đã thực hiện giải pháp này. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tương đối hạn chế về mặt “chiến lược”, mọi ứng phó vẫn mang tính vụ việc, thời điểm nên thời gian tới rất cần các hỗ trợ kỹ thuật để giúp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt trong những lĩnh vực này.

Về các giải pháp nhằm bảo vệ, duy trì công ăn việc làm cho người lao động, theo Ban IV, điều rất đáng ghi nhận trong khảo sát lần này là có sự thay đổi về nhận thức của các chủ doanh nghiệp trước vấn đề bảo vệ người lao động cũng như có nhiều nỗ lực thực tế nhằm bảo vệ người lao động.

Cụ thể có khoảng 60% số doanh nghiệp trả lời vẫn nỗ lực đảm bảo trả lương cho người lao động, trong đó ít nhất là đảm bảo mức lương tối thiểu hoặc trả lương bình thường và duy trì lao động như hiện tại cho đến khi doanh nghiệp hết khả năng.

Chỉ có 4% số doanh nghiệp trả lời áp dụng biện pháp chấm dứt hợp đồng lao động và 10% không có giải pháp, còn 27% doanh nghiệp trả lời lựa chọn giải pháp giảm giờ làm, giảm lương nhưng vẫn duy trì số lượng lao động để cùng người lao động chung sức vượt qua thời gian khó khăn.

Ngoài ra, 26% doanh nghiệp trả lời có trả trợ cấp cho lao động nghỉ việc tạm thời do dịch bệnh hoặc trong thời gian “cách ly xã hội” để giúp đỡ một phần cho người lao động; 17% doanh nghiệp vẫn trả lương bình thường.

Nếu dịch kéo dài thì 9% số doanh nghiệp trả lời có thể sẽ không có khả năng đảm bảo được nỗ lực mà doanh nghiệp đang cố gắng. Khoảng 3% số doanh nghiệp trả lời tranh thủ thời gian hoạt động sản xuất kinh doanh suy giảm để dành thời gian đào tạo nguồn nhân lực.

Tại đợt khảo sát lần này, các doanh nghiệp đã đưa ra một số nhóm kiến nghị rất đáng lưu tâm. Về việc chống thất nghiệp, các doanh nghiệp ủng hộ tinh thần của Chính phủ và các Bộ ngành thể hiện tại Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020.

Tuy nhiên, thay vì các chính sách hỗ trợ khi doanh nghiệp đã “kiệt quệ” và đổ vỡ, thì doanh nghiệp đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết này theo hướng có những chính sách giúp cho doanh nghiệp giữ được dòng vốn trong lúc khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh đồng thời để duy trì việc làm cho người lao động.

Đơn cử, doanh nghiệp kiến nghị được hoãn nộp một số khoản như bảo hiểm tự nguyện, tiền đóng quỹ hưu trí và tử tuất hay phí công đoàn... trong vòng 12 tháng để có dòng tiền duy trì hoạt động, duy trì nhân sự nhằm thích nghi và tồn tại trong bối cảnh mới, thay cho chính sách vừa ban hành là người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất không quá 12 tháng nếu vì dịch bệnh mà phải cắt giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên.

Về việc chống suy thoái, các kiến nghị vẫn cơ bản xoay quanh một số vấn đề gồm: Chính phủ thực hiện chính sách riêng đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, để doanh nghiệp được giảm thuế TNDN, thuế VAT và các loại thuế khác và cho phép miễn lãi suất đối việc nộp chậm thuế, đồng thời cho phép miễn đóng BHXH trong thời gian dịch bệnh;

Hỗ trợ vốn vay ưu đãi với doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch; Giảm lãi suất các khoản vay hiện tại, khoanh nợ và giãn thời gian trả nợ vay; Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông nghiệp xuất khẩu hàng hóa khi mà nguồn cung vượt qua cầu trong nước; Đẩy mạnh việc thực hiện các thủ tục hành chính online để cắt giảm thời gian, chi phí thực sự cho doanh nghiệp.

Song song với 2 nhóm kiến nghị trên, các doanh nghiệp đặc biệt phản ánh với Chính phủ việc thực hiện các giải pháp từ phía các Bộ còn chậm, cũng như việc tiếp cận được các nguồn vay với lãi suất thấp hay các hình thức ưu đãi tín dụng khác là còn rất khó khăn khi thủ tục thực tiễn đang rất rườm rà, phức tạp, yêu cầu các doanh nghiệp phải thế chấp hoặc chứng minh mất nhiều thời gian trong khi nguồn vốn cho việc duy trì sản xuất kinh doanh là rất cấp thiết.

Một vấn đề hết sức đáng lưu tâm trong các kiến nghị của doanh nghiệp, đó là: song song với chống dịch, chống suy thoái doanh nghiệp, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng chiến lược cùng các chính sách cho một trật tự kinh tế mới sau dịch để tận dụng tối đa các cơ hội.

 

Một số giải pháp điển hình nhằm duy trì hoạt động của doanh nghiệp:

Số hóa các hoạt động của doanh nghiệp:

FPT Group: Đã tổ chức đại hội đồng cổ đông trực tuyến với 500 cổ đông online cùng lúc từ khắp các tỉnh, thành và nhiều nước trên thế giới.

Phúc Sinh Group: Phúc Sinh đã sớm ứng dụng công nghệ số vào quản trị, sản xuất và giao dịch với khách hàng nên trong dịch Covid-19, các nhân viên có thể làm việc từ xa mà không hề gặp trở ngại gì. Điều này góp phần giúp cho tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian qua của công ty đạt đến 120-130%.

Tập đoàn Sendo: không thu phí bán hàng trên trang Sendo đối với nông sản, thực phẩm để đẩy mạnh thương mại điện tử và chung tay với doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn.

Tích hợp hoạt động của các cơ sở, đơn vị trực thuộc để tối ưu hóa chi phí:

IvyPrep Education: Đàm phán hoãn thanh toán, giảm chi phí thuê mặt bằng và đóng cửa các cơ sở không thể thương lượng về chi phí thuê; chuyển đổi mô hình kinh doanh, tối ưu việc sử dụng cơ sở vật chất; cắt giảm các bộ phận hoạt động không hiệu quả…

Chuyển hướng kinh doanh trên cơ sở xác định các mặt hàng, thị trường chiến lược, trọng tâm:

Nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã “biến nguy thành cơ”, chủ động sản xuất khẩu trang vải với đa chủng loại giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất, duy trì công ăn việc làm cho người lao động trong dịch Covid-19

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu chế tạo thử nghiệm sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm:

Tập đoàn Mỹ Lan: ứng dụng công nghệ đóng gói khí cải tiến để kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm, ví dụ như thịt lợn có thể giữ được 7-11 ngày; phát triển hệ thống máy bán thực phẩm thông minh, giúp thúc đẩy thương mại điện tử, mua sắm qua thiết bị di động, hỗ trợ cho công tác cách ly toàn xã hội như hiện nay.

Hiếu Minh

Tags: Khắc Phục Khó Khăn Cải Tiến Sản Phẩm Covid-19 Nghiên Cứu Chính Phủ Gói Hỗ Trợ Gói Cứu Trợ