Trong phiên giao dịch ngày 29/4, khối ngoại bán ra số lượng cổ phiếu trị giá hơn 750 tỷ đồng, trong khi giá trị mua vào chưa đến phân nửa. Ngoài những cổ phiếu có "truyền thống" bị khối ngoại bán mạnh như VNM, VCB, VRE... thì nhà đầu tư nước ngoài còn xả hàng quyết liệt ở VCG (Tổng công ty Viglacera). Cổ phiếu này đã bị bán hơn 15,3 triệu đơn vị, ước tính theo giá tham chiếu khoảng 265 tỷ đồng.
Trước đó, trong phiên ngày 28/4, giao dịch khối ngoại đã tiếp tục diễn ra không mấy tích cực khi họ bán ròng lượng cổ phiếu trị giá 400 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực bán tập trung vào các Bluechips như VCB (72,68 tỷ đồng), VRE (59,13 tỷ đồng), VNM (55,33 tỷ đồng)…
Như vậy, phiên giao dịch 29/4 là phiên bán ròng thứ 22 liên tiếp của khối ngoại tại thị trường chứng khoán Việt Nam và chưa có dấu hiệu suy yếu. Chuỗi bán ròng lần này có thể vượt qua đợt xả hàng 33 phiên trước đó, nhất là trong bối cảnh chưa xuất hiện thông tin hỗ trợ và các số liệu kinh tế quý II sẽ phản ánh gần như toàn bộ tác động của dịch bệnh.
Các chuyên gia ước tính, khối ngoại đã chịu lỗ khoảng 29% khi bán tháo cổ phiếu trong thời gian qua. Tuy nhiên, đặc thù của dòng tiền từ quỹ là vào nhanh, ra mạnh, phản ánh tức thì và rõ nét xu hướng của thị trường nên khả năng dòng vốn ngoại quay trở lại khi tình hình tích cực hơn, cũng rất cao.
Theo ông Trần Đức Anh - Giám đốc kinh tế vĩ mô của Công ty CP Chứng khoán KB Securities Việt Nam (KBSV), khối ngoại không chỉ bán ròng trên TTCK Việt Nam, mà trên cả các thị trường mới nổi và cận biên khác trong khu vực.
"Trên thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài có một “khẩu vị” rủi ro rất thấp. Trong khi đó, các điều kiện đầu tư trên toàn cầu đang có tính rủi ro rất cao do lệnh cách ly phòng ngừa dịch bệnh COVID-19, hoạt động của các doanh nghiệp bị đình trệ... Trong bối cảnh đó, dòng tiền sẽ có xu hướng chảy tới những tài sản an toàn hơn như trái phiếu, vàng, USD...", ông Trần Đức Anh nhấn mạnh.
Ngoài ra, các thị trường cận biên nói chung đang có cơ hội sinh lời kém hơn và có chi phí đầu tư cao hơn các thị trường phát triển, đặc biệt là TTCK Mỹ... Đây cũng là một trong những lý do mà khối ngoại bán ròng để chuyển vốn tới các thị trường phát triển.
Đáng chú ý, trong thời gian qua, khối ngoại chủ yếu bán ròng ở những cổ phiếu hở room, trong khi các cổ phiếu kín room không có trong các chỉ số chính, nên các quỹ thụ động không nắm giữ trong danh mục. Tất nhiên, một số nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu kín room đã bán, với premium (mức % chênh lệch nhà đầu tư nước ngoài phải trả để mua cổ phiếu hết room ngoại) giảm đáng kể và trong một số trường hợp hoàn toàn không có chênh lệch premium. Tuy nhiên, nhìn chung các cổ phiếu như vậy đã được chuyển sang các nhà đầu tư có tiềm lực hơn, nên giao dịch mua bán ròng của khối ngoại tương đối thấp.
Ông Trần Đức Anh cho rằng, với việc Việt Nam đang thiếu vắng những yếu tố hỗ trợ rõ rệt trong nước, nên chúng ta khó thu hút lại được dòng vốn ngoại trong tương lai gần. Tuy nhiên, trong bức tranh dài hạn, thì triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng như của TTCK cũng tương đối rõ nét. Do vậy, chúng ta có thể kỳ vọng dòng vốn sẽ quay trở lại.