Việc xây dựng một hệ sinh thái cho khởi nghiệp tại Việt Nam chú trọng nhiều năm qua, tuy nhiên mới đang được tập trung ở những thành phố lớn, trong khi "các tỉnh thành khác trên cả nước vẫn đang loay hoay trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của riêng mình", nhận định của ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường khoa học và công nghệ, tại hội thảo phát huy lợi thế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2019, tổ chức sáng 4/12 tại Quảng Ninh.
Ông Phạm Hồng Quất mong muốn phát triển cân bằng hệ sinh thái khởi nghiệp.
Số lượng startup tại Việt Nam có tốc độ tăng nhanh, từ 400 (năm 2012) lên gần 1800 vào năm 2015 và hơn 3000 trong năm 2018. Lượng vốn đầu tư mạo hiểm cho startup Việt cũng đã tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 2016 – 2018, từ 205 triệu USD lên gần 900 triệu USD.
Theo ông Quất, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang thiếu cân đối trong phát triển. Cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam được thúc đẩy chính chỉ ở 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. Nhưng qua thực tế thấy rằng, chỉ có ở ở quy mô địa phương mới có thể tạo ra những môi trường thúc đẩy đầu tư kinh doanh và gia tăng quy mô của doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua cách tạo dựng môi trường khởi nghiệp hợp lý.
"Chỉ có ở địa phương, các nền tảng của đổi mới sáng tạo là các trường đại học, viện nghiên cứu mới gắn sát được các nhu cầu và giá trị bản địa. Từ đó, các trung tâm ươm tạo, tổ chức thúc đẩy doanh nghiệp mới có thể triển khai được các chương trình "đo ni đóng giày" cho doanh nghiệp địa phương", ông Quất nói. Doanh nghiệp khởi nghiệp địa phương, phát triển dựa trên các thế mạnh của địa phương mới có thể giúp lôi kéo cộng đồng nhà đầu tư tại chính địa phương, trước khi những quỹ đầu tư mạo hiểm có thể tìm đến.
Các đại biểu thảo luận tại hội thảo về các giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Ảnh: HM
Theo bà Thạch Lê Anh, người sáng lập, Chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley (VSV), hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam mới thực sự được quan tâm từ năm 2016 với dấu mốc là sự ra đời Đề án Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 dựa trên tiền đề là Đề án VSV năm 2013. Chỉ sau hơn 3 năm phát động, đã có những bước phát triển vượt bậc. Đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Từ đề án này Vietnam Silicon Valley đã ươm tạo 80 dự án. Trong số đó, 1/3 dự án đã thất bại ngay trong quá trình ươm tạo, 1/3 trở thành các công ty vừa và nhỏ. 28/80 startup còn lại đã gọi vốn thành công ở các vòng gọi vốn tiếp theo. Tỷ lệ này cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới (khoảng 10%).
Hiện lĩnh vực mà doanh nghiệp khởi nghiệp lựa chọn thường là bán lẻ, thanh toán và giáo dục. Tuy nhiên, ông Quất cho rằng những lĩnh vực kể trên sau một số năm phát triển đã dần được định hình với những ông lớn trong ngành khiến việc các startup mới rất khó tham gia vào thị trường nếu không có nguồn lực mạnh, trong khi đây là điều rất hiếm ở Việt Nam. Trong khi đó những lĩnh vực như văn hoá, sáng tạo và nông nghiệp vốn là thế mạnh truyền thống cho Việt Nam thì lại ít được quan tâm thậm chí là bỏ ngỏ không khai thác.
Vì vậy bên cạnh việc phát triển cân bằng hệ sinh thái giữa các địa phương và thành phố lớn, việc phát triển các chương trình từ cơ bản tới chuyên sâu liên quan đến chuyển giao mô hình, kiến thức về đầu tư mạo hiểm và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cũng được các chuyên gia kiến nghị.
"Cần xây dựng các chương trình đầu tư chuyên biệt, phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực. Thúc đẩy hợp tác sâu với các quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển nhằm học hỏi, nâng cao năng lực", bà Thạch Lê Anh kiến nghị.
Hội thảo do Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Quỹ đầu tư Vietnam Silicon Valley Accelerator phối hợp tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia (Techfest) 2019 tại Quảng Ninh trong 3 ngày từ 4 - 6/12.
Hải Minh