Đã 18 tháng trôi qua từ khi Mỹ cảnh báo các quốc gia đồng minh không nên sử dụng trang thiết bị mạng 5G do Huawei cung cấp vì lý do an ninh. Trong khi Úc và Nhật Bản tỏ ra cảnh giác thì Đức và Anh - hai đồng minh thân cận và uy tín của Mỹ - vẫn quyết định sử dụng thiết bị 5G do nhà sản xuất đến từ Trung Quốc cung cấp, dù Anh đã loại hãng ra khỏi các vấn đề nhạy cảm.
Dù cố gắng ngăn các quốc gia khác, Mỹ vẫn phải chấp nhận mình không có quyền kiểm soát quyết định của các chính phủ. Trong cuộc chạy đua của các quốc gia để thương mại hóa và phổ cập kết nối 5G nhằm tạo tiền đề cho các ngành công nghệ, công nghiệp mới, Huawei vẫn tìm được những bản hợp đồng cần thiết.
Theo Bloomberg, Huawei đã nhận lượng đặt hàng thiết bị 5G lớn đến từ chính quê nhà Trung Quốc, nơi dự kiến chi 170 tỉ USD để xây dựng mạng lưới cần thiết cho thế hệ mạng không dây tiếp theo trên cả nước. Trong quý 3/2019, một làn sóng yêu nước tại Trung Quốc đã giúp Huawei có được 42,4% lượng doanh số smartphone xuất xưởng nội địa, cách xa đối thủ đứng thứ 2 là Vivo (chỉ 17,9%).
Năm nay, Huawei lại trông đợi vào các nhà mạng nội địa để có được những bản hợp đồng “béo bở”, cung cấp thiết bị mạng 5G cho họ. China Mobile, nhà mạng lớn nhất Trung Quốc, ký hợp đồng trị giá nhiều tỉ USD với Huawei từ đầu năm, khiến hai đối thủ là ZTE (cũng Trung Quốc) và Ericson đại bại. Tổng cộng, China Mobile chi 5,2 tỉ USD thì đã có hơn 3 tỉ USD về tay Huawei (38%), ZTE xếp thứ 2 với 1,51 tỉ USD (29%) còn Ericsson ít nhất với 11,1%, tương đương 579 triệu USD.
Theo Phone Arena, kết quả này có được cũng một phần nhờ công nghệ mà Huawei đang sở hữu, được đồn đi trước đối thủ 12 tới 18 tháng. Bên cạnh đó, công ty cung cấp các điều khoản tài chính "dễ thở" cho khách hàng nhờ mối hợp tác với ngân hàng Trung Quốc.
Thủ tướng Anh Boris Johnson hồi đầu năm 2020 cho rằng hiện không có nhiều lựa chọn thay thế Huawei trên thị trường 5G và chính quyền ông Donald Trump cũng nhận ra điều đó. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr từng đề xuất chính phủ mua trang thiết bị từ Nokia và Ericsson. Washington cũng đã liên hệ hai công ty nội địa là Oracle và Cisco để xem xét khả năng thay thế Huawei, tuy nhiên cả hai doanh nghiệp đều cho biết không có đủ thời gian cũng như tài chính cần thiết để nhận trọng trách này.
Đối với Mỹ hay Trung Quốc, việc trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về 5G đều vô cùng quan trọng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng khẳng định đi đầu về 5G sẽ giúp đất nước khởi động lại nền kinh tế. Bắc Kinh dự định chi 169,4 tỉ USD vào mạng 5G trong 5 năm tới, tạo ra thêm 3 triệu việc làm.
Paul Triolo - lãnh đạo mảng Chính sách công nghệ toàn cầu của Eurasia Group nhận xét: “5G sẽ là nền tảng nơi những công ty sáng tạo của Trung Quốc như Alibaba, Tencent, Baidu và một loạt ‘kỳ lân công nghệ’ có thể tạo nên các ứng dụng mới và vận dụng. Bắc Kinh muốn doanh nghiệp Trung Quốc dẫn đầu cuộc đua đổi mới bằng 5G”.
Anh Quân