Bắt tay “tung” nhiều gói sản phẩm cực rẻ
Có lẽ chưa bao giờ thị trường du lịch Việt Nam trở nên hấp dẫn như bây giờ. Mọi dịch vụ từ di chuyển, ăn chơi, nghỉ dưỡng đều giảm giá tới mức thấp nhất.
Khách nước ngoài nói gì khi đến Việt Nam du lịch giữa mùa đại dịch Covid-19?
Liên tiếp trong vài ngày qua, các hãng hàng không đua nhau thông báo chương trình giảm giá vé máy bay tới mức kịch khung, đến 50% ở tất cả các đường bay. Chặng bay “vàng” TP.HCM - Hà Nội nay cũng chỉ còn giá vài trăm ngàn đồng 1 chiều, bằng khoảng 1/3 giá thường ngày và bằng gần 1/6 giá vé mùa cao điểm.
Không chỉ kích cầu nội địa, các hãng hàng không còn đẩy nhiều chương trình khuyến mãi bay quốc tế giá sốc chưa từng có để khuyến khích người dân đi du lịch tới những điểm an toàn, kích thích thị trường outbound.
Cùng nhịp với hàng không, nhiều điểm đến, từ khách sạn tới khu nghỉ dưỡng cao cấp đã xây dựng các chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Hệ thống khu vui chơi, giải trí Sun World của Sun Group áp dụng chính sách hỗ trợ không hủy phạt đối với các đoàn khách bị hủy do tình trạng của dịch bệnh và gia hạn thêm thời gian sử dụng vé đã mua trước của các đối tác.
Ngoài ra, với khách đến khu du lịch trong dịp này, Sun World tặng thêm voucher giảm giá buffet, đồ ăn nhanh... Hiện hệ thống khách sạn, resort của tập đoàn đã đưa ra các chương trình khuyến mãi dành cho du khách như Hotel de la Coupole - MGallery - khách sạn 5 sao đẳng cấp tại Sa Pa áp dụng mức giá chỉ từ 2,55 triệu đồng/đêm, hay biệt thự nghỉ dưỡng 2 phòng ngủ tại Premier Village Ha Long Bay giá chỉ từ 5,1 triệu đồng/đêm, tặng kèm bữa tối cho cả gia đình.
Tương tự, Vinpearl Travel Nga (thuộc Công ty cổ phần Vinpearl) chính thức mở bán dịch vụ hàng không - du lịch trọn gói từ Moscow đến Nha Trang (Khánh Hòa) từ ngày 20.2. Công ty đang thỏa thuận triển khai chương trình hợp tác toàn diện với các hãng hàng không để ra mắt các gói dịch vụ kỳ nghỉ trọn gói đa dạng nhất thị trường hiện nay.
Hôm qua (21.2), Hiệp hội Du lịch TP.HCM cũng đã tổ chức lễ công bố Chương trình kích cầu du lịch nội địa năm 2020. Chương trình có sự tham gia của 40 doanh nghiệp (DN) lữ hành với mức giá giảm từ 25 - 50%, ngành hàng không giảm đến 50%, đường bộ và đường sắt giảm 40%... Từng gói tour cụ thể với mức giá giảm sâu đã được các đơn vị bắt tay xây dựng và giới thiệu tới du khách.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đánh giá điểm yếu của du lịch Việt Nam trong bao năm qua là liên kết. Việc hình thành các liên minh kích cầu không chỉ nhằm cứu ngành du lịch trong mùa dịch năm nay mà còn tạo tiền đề cho sự phối hợp, đồng lòng phát triển nhiều hơn thị trường trong tương lai, tạo thêm sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với các điểm đến lân cận như Thái Lan, Malaysia...
Mở visa, hỗ trợ tối đa doanh nghiệp du lịch
Dịch bệnh bùng nổ, ngành du lịch chịu tổn thương mạnh nhất, trong đó gánh chịu hậu quả nặng nề chính là các DN du lịch.
Theo đánh giá sơ bộ của một số DN kinh doanh dịch vụ lữ hành lớn tại TP.HCM, tính trong tháng 2 và đến quý 1/2020, doanh thu giảm từ 40 - 60%. Đặc biệt, đối với các DN kinh doanh thị trường Trung Quốc, doanh thu giảm mạnh từ 70 - 80%.
Một số DN chuyên thị trường Trung Quốc thậm chí đã phải tạm ngưng hoạt động phòng du lịch cho đến tháng 6. Đối với các cơ sở lưu trú du lịch, công suất bán phòng của nhiều khách sạn 3 - 5 sao giảm 40 - 50% so với cùng kỳ năm 2019; tổng doanh thu của cơ sở lưu trú du lịch giảm 60 - 70% so với cùng kỳ năm.
Để chuẩn bị sẵn sàng hồi phục sau dịch, Sở Du lịch TP.HCM đề xuất Tổng cục Du lịch xem xét, có ý kiến đề xuất đối với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan các giải pháp hỗ trợ DN du lịch. Cụ thể: giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế của các DN du lịch và đề xuất lùi thời gian nộp thuế sang quý 3 hoặc quý 4/2020; hỗ trợ giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong lĩnh vực du lịch trên cơ sở đánh giá thiệt hại của dịch bệnh, đề xuất phương án miễn, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, giảm 50% thuế thu nhập DN.
Về chính sách tài chính, tín dụng, đề xuất giãn thời gian trả nợ đến hạn cho DN và không để DN rơi vào nhóm nợ xấu; thực hiện cho vay với lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất vay đối với các DN du lịch, khách sạn, vận chuyển, dịch vụ du lịch...
Đặc biệt, Sở Du lịch TP.HCM kiến nghị Chính phủ xem xét, mở rộng đối tượng được miễn thị thực cho các thị trường Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Canada, Áo, Hà Lan... Đồng thời, có chính sách miễn lệ phí visa hoặc cấp visa điện tử dành cho các thị trường khách trọng điểm, thị trường khách tiềm năng có mức chi tiêu cao.
TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam, nhận định dịch Covid-19 có tác động cực kỳ lớn tới nền kinh tế cả thế giới. Kinh tế khó khăn, người dân giảm thu nhập nên việc quay trở lại du lịch bình thường sau khi dịch bệnh được kiểm soát cũng khá khó khăn, đặc biệt là đối với thị trường Trung Quốc.
Như vậy, ảnh hưởng của dịch bệnh tới ngành du lịch, hàng không chắc chắn còn lâu dài, không dễ hồi phục. Do đó, bên cạnh các gói sản phẩm giảm giá kích cầu, truyền thông mạnh mẽ để củng cố niềm tin của du khách về điểm đến Việt Nam an toàn, những chính sách mở rộng thị trường và hỗ trợ tài chính cho DN là hết sức cần thiết.
“Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ cần lập tức có chính sách chiếu cố ngành du lịch mà điển hình là mở cửa visa. Đã nhiều năm qua chính sách visa nhỏ giọt gây thiệt hại lớn cho ngành du lịch nhưng do số lượng khách Trung Quốc quá lớn, chúng ta vẫn có tâm lý ỷ lại, phụ thuộc. Bây giờ là lúc buộc phải khai thác thêm các nguồn khách mới để bù lại thị trường lớn Trung Quốc”, ông Nam đề xuất.
Theo TS Lương Hoài Nam, nên xem xét duyệt đề xuất miễn visa cho toàn bộ các quốc gia khối EU, ngoài ra miễn thêm một số nước như Canada, Úc, New Zealand vì đây là các thị trường tiềm năng. Đồng thời, những biện pháp giảm thuế, kéo dài thời gian nộp thuế, hỗ trợ khoanh nợ, giảm giá cung cấp dịch vụ cho ngành hàng không, du lịch là vô cùng cần thiết. Chắc chắn ngành du lịch Việt Nam sau mùa dịch thiệt hại lớn và lâu dài. Do đó, cần có sự chung tay góp sức vực dậy của tất cả mọi đối tượng từ Chính phủ, các DN cung cấp dịch vụ và cả phía người dân.
Hà Mai