Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Chiều 30/12, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, các đại biểu đều đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã theo sát những diễn biến của tình hình trong nước và quốc tế để có chính sách, biện pháp ứng phó, điều hành linh hoạt. Các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
*Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong triển khai thực hiện
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, năm 2019 có nhiều khó khăn phát sinh, tác động không thuận đến sự phát triển kinh tế – xã hội nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra đã đạt được.
Theo Bộ trưởng, có được kết quả này là do sự chỉ đạo xuyên suốt, sự điều hành kiên định của Chính phủ nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, hệ thống các chủ trương, chính sách trong phát triển kinh tế - xã hội được bảo đảm đồng bộ, hiệu quả. Chính phủ đã chủ động rà soát các văn bản pháp quy để báo cáo Quốc hội sửa đổi, cập nhật kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Điều này góp phần khai thác, phát huy mạnh mẽ các nguồn lực mới phục vụ đầu tư phát triển đất nước, nhất là nguồn lực xã hội, khu vực doanh nghiệp tư nhân, đầu tư nước ngoài.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ, năm 2020 sẽ ẩn chứa nhiều khó khăn, thách thức khi tình hình thế giới diễn biến nhanh, các đối tác, thị trường lớn khó đoán định, chưa thể dự báo hết được. Các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 được xác định với yêu cầu rất cao (so với nền tảng đã đạt được ở mức cao của năm 2019) cũng là thách thức lớn đối với các bộ ngành, địa phương. Vì thế, để đạt được các mục tiêu đề ra cần quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.
Thống nhất với các yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt các nội dung trong Nghị quyết số 01 và Nghị quyết số 02 của Chính phủ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tập trung cụ thể hóa các nghị quyết này thành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của ngành Công Thương để tổ chức triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành những năm qua. Bộ trưởng cho rằng, cần bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong phối hợp chính sách giữa các bộ, ngành và tổ chức thực hiện ở các địa phương.
Theo Bộ trưởng, năm 2020, việc bảo đảm thị trường cho sản xuất, đầu tư trong nước sẽ đối mặt nhiều thách thức. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương xác định nhiệm vụ là tiếp tục duy trì môi trường ổn định đối với các đối tác để thực hiện chiến lược đa phương hóa, đa dạng hóa, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường.
Bộ cũng đồng hành cùng với các bộ, ngành để tổ chức chương trình hành động, hỗ trợ hiệu quả các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong công tác phát triển thị trường, tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi sản xuất để tiếp cận bền vững thị trường quốc tế.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng, cần nâng cao năng lực thể chế trong đấu tranh chống gian lận thương mại để xử lý vụ kiện, tranh chấp thương mại trong nước, quốc tế, từ đó hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tiếp cận thị trường bền vững.
*Nâng cao năng lực ứng phó
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, năm 2020, bên cạnh những yếu tố thuận lợi cũng có nhiều thách thức lớn, trong đó có các khó khăn về thương mại, thị trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh… ảnh hưởng đến ngành Nông nghiệp.“Có rất nhiều giải pháp nhưng phải nhấn mạnh giải pháp nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm, năng lực ứng phó với các tình huống xảy ra. Đây là giải pháp thường trực trong năm 2020”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, năm 2020 chỉ tiêu của ngành nông nghiệp là khá cao. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt từ 2,91 – 3%; xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt từ 41,5 – 42 tỷ USD; có ít nhất 59% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. "Với chỉ tiêu này, Bộ, ngành sẽ quyết tâm phấn đấu ở mức cao nhất”, Bộ trưởng chỉ rõ.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các biện pháp, kế hoạch thực hiện để phấn đấu đạt được các chỉ tiêu cao nhất Nghị quyết của Chính phủ đề ra.
Bộ trưởng cho rằng, việc phát triển thị trường là khâu quyết định đến sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp nói riêng, tăng trưởng nền kinh tế nói chung. Bên cạnh các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, ngành đặc biệt coi trọng hướng tới thị trường ASEAN. Bộ Nông nghiệp sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các địa phương, doanh nghiệp, ngành hàng chuẩn bị đủ các điều kiện để thực hiện tốt vấn đề này.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong tái cơ cấu nông nghiệp gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, kể cả 3 trục sản phẩm là: nhóm sản phẩm cấp quốc gia, cấp tỉnh, nhóm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) đều phải coi trọng ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là một trong những giải pháp quyết định.
Trong sản xuất chuỗi khép kín, từ khâu sản xuất đên chế biến, thương mại thì chế biến phải được xác định là khâu đột phá, có chế biến tốt mới có vùng nguyên liệu tốt, thương mại tốt mới bán được hàng…
Đối với vấn đề nông thôn mới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ, việc nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy sản xuất ở vùng nông thôn gắn với môi trường là vấn đề cốt lõi.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tới các giải pháp tăng cường ứng phó thiên tai, dịch bệnh ngay từ đầu năm; khắc phục hạn mặn xâm nhập ngày càng nghiêm trọng ở các tỉnh phía Nam. Đối với thị trường thịt lợn, Bộ đang tập trung tái đàn ở các tỉnh để tháng 1/2020 không xảy ra tình trạng thiếu thực phẩm, tránh để chỉ số giá tiêu dùng tăng cao ngay từ quý đầu năm./.
Phan Phương/TTXVN