Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia dự báo GDP đạt 7,15%, đây là mức tăng cao hơn dự báo của Chính phủ 6,8% và mức giao của Quốc hội (6,6 - 6,8%). Các chuyên gia kinh tế cho rằng, mức tăng trưởng kinh tế năm 2019 sẽ là tiền đề, tạo đà tiếp tục cho năm 2020, khi nước ta đảm nhận vai trò là Chủ tịch của ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là cơ hội để tận dụng thời cơ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội để đất nước ngày càng phát triển bền vững hơn nữa.
Đánh giá về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2019, nhiều chuyên gia kinh tế ghi nhận nỗ lực vượt bậc của Việt Nam, mặc dù điều kiện bên ngoài không thuận lợi, thậm chí có biến động mới tác động đến kinh tế Việt Nam đặc biệt là cuộc Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung.
Cùng với đó, tình hình trong nước gặp bất lợi khi dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, hạn hán, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng…
Song năm 2019 vẫn là năm thành công của kinh tế Việt Nam thể hiện qua việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra. Qua đó, tạo được niềm tin của doanh nghiệp và người dân về sự ổn định, xu hướng gia tăng phát triển của nền kinh tế.
Năm 2019 ghi nhận một kỷ lục khi xuất siêu hàng hóa đạt mức cao khoảng 9 tỷ USD. Cán cân thương mại dịch vụ tiếp tục thặng dư ước khoảng 4,2 tỷ USD, cao hơn nhiều năm 2018. Đặc biệt xuất khẩu thủy sản và rau, củ, quả đạt mức tăng trưởng ấn tượng.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: “Năm 2019 kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, hai năm liên tục chúng ta hoàn thành vượt mức chỉ tiêu và trong năm nay 5 chỉ tiêu vượt định mức, xuất nhập khẩu tăng cao trên 500 tỷ USD – đây là độ mở rất lớn, về thu hút vốn đầu tư cũng rất cao, về mặt xã hội giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống. Đây là những điểm sáng”.
Trên cơ sở đánh giá các yếu tố tác động tới thị trường trong năm 2020, nhiều ý kiến bày tỏ lạc quan nền kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định và dự báo tăng trưởng từ 6,8-7%, lạm phát trong khoảng 3,2 -3,5%. Khu vực tư nhân vẫn tiếp tục là động lực cho sự phát triển nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong dự báo, năm 2020, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và môi trường kinh doanh sẽ được triển khai một cách mạnh mẽ, quyết liệt hơn từ các cấp, các ngành. Từ đó, tạo động lực và thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
Trong năm 2020 nhờ một số yếu tố như: chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã giảm căng thẳng làm tăng niềm tin đầu tư thị trường; Quý II năm 2020 sẽ ký đối tác đầu tư toàn khu vực, dòng đầu tư thương mại nội khối ASEAN tăng lên; Sự chuyển dịch chuyển của các doanh nghiệp FDI từ năm 2019 đến năm 2020 sẽ ổn định trong kinh doanh.
Đặc biệt, năm 2020 là tiền Đại hội Đảng sẽ khởi động, những cải cách cải cách môi trường đầu tư kinh doanh sẽ được triển khai một cách mạnh mẽ và quyết liệt hơn chúng tôi cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng.
Bước sang năm 2020 khi nước ta chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ tận dụng được nhiều cơ hội nhằm thúc đẩy phát triển. Sự hội nhập của Việt Nam vào Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ ngày càng sâu sắc hơn, trong đó sẽ tận dụng thêm thị trường ASEAN cũng như các nước ASEAN coi Việt Nam là một cửa ngõ ra thế giới bên ngoài Khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, EU.
Vai trò “kép” Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (Trong đó có vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc trong tháng 1/2020) sẽ hỗ trợ cho phát triển kinh tế, tăng cường vị thế ngoại giao cho Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 khoảng 6,8% là hoàn toàn khả thi.
“Có 3 động lực cho tăng trưởng 2020 đó là xuất khẩu mức khá, dự kiến tăng 9%; Đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng do sự dịch chuyển vốn đầu tư, đặc biệt là chuyển dịch đầu tư từ Hồng Kông và Trung Quốc tăng mạnh; Kinh tế tư nhân vốn đầu tư năm tới sẽ sáng bởi mức vốn đầu tư tư nhân tăng khoảng 17%. Lạm phát là 3,2-3,3% so với năm 2002”, ông Lực nhận định.
Năm 2020 là năm bản lề kết thúc chu kỳ 5 năm với mức tăng trưởng GDP dự kiến khoảng 6,84% một năm (đạt mục tiêu 6,5-7% của Kế hoạch 2016-2020 đã đề ra), đồng thời tạo đà cho chu kỳ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược 10 năm 2021-2030.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra cho các năm tiếp theo đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt từ phía Chính phủ, các ngành, các cấp cũng như toàn xã hội cùng vào cuộc quyết liệt nhằm xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển ngang tầm với bạn bè năm châu./.
Nguyễn Hằng