Theo báo cáo cập nhật lần hai của Bộ Thương mại Mỹ được công bố ngày 27/2, kinh tế nước này đã tăng trưởng ở mức vừa phải trong quý 4/2019 và đang đứng trước một giai đoạn "gập ghềnh" vào đầu năm 2020, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan nhanh chóng khiến các thị trường tài chính lo ngại về khả năng suy thoái của kinh tế Mỹ.
GDP của Mỹ tăng trưởng 2,1% trong quý cuối năm ngoái, nhờ hóa đơn nhập khẩu giảm. Con số này không thay đổi so với ước tính sơ bộ được đưa ra hồi tháng trước và tương đương với tốc độ tăng trưởng trong quý 3/2020.
Tốc độ tăng trưởng năm 2019 vẫn là 2,3%, mức thấp nhất trong ba năm và không đạt mục tiêu tăng trưởng 3% năm thứ hai liên tiếp mà Nhà Trắng đề ra.
Các số liệu khác được công bố cùng ngày cho thấy, đầu tư kinh doanh dần ổn định trong tháng Một và thị trường việc làm vẫn mạnh, nhưng đã không trấn an được các nhà đầu tư.
Các chỉ số chứng khoán chủ lực của Mỹ giảm phiên thứ sáu liên tiếp và giảm 10% hoặc hơn. Lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm mức thấp mọi thời đại trong ngày thứ ba liên tiếp.
Theo nhà kinh tế trưởng của MUFG tại New York, Chris Rupkey, các thị trường đang dự đoán kinh tế Mỹ có khả năng suy thoái khi dịch COVID-19 đã làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các thị trường tài chính nhìn nhận dịch bệnh có thể kết thúc giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong lịch sử vốn đã bước vào sang năm thứ 11 của kinh tế Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/2 khẳng định rủi ro từ dịch COVID-19 đối với nước Mỹ vẫn rất thấp và các quan chức y tế đang chuẩn bị để làm tất cả những gì cần thiết để ngăn chặn.
Các thị trường tiền tệ nhận định về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất sau khi hạ ba lần trong năm ngoái. Dịch COVID-19 sẽ gây khó khăn cho Fed trong việc giữ nguyên chính sách tiền tệ ít nhất là hết năm nay như dự định.
Mặc dù chưa có số liệu thực tế cho thấy dịch ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ, các nhà kinh tế cho rằng lĩnh vực chế tạo sẽ chịu tác động do những gián đoạn của chuỗi cung ứng và xuất khẩu.
Những tác động đối với lĩnh vực dịch vụ có thể là với ngành du lịch và các hoạt động đi lại. Hoạt động bán tháo trên thị trường chứng khoán nếu kéo dài có thể làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng và ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng.
Dù số liệu tăng trưởng GDP quý 4/2019 không thay đổi và đúng như dự báo, tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng cũng như đầu tư của doanh nghiệp và chi tiêu của chính phủ đã được điều chỉnh giảm, trong khi đầu tư xây dựng nhà ở và dự trữ được điều chỉnh tăng.
Tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng trong quý cuối năm ngoái giảm xuống 1,7%, so với 1,8% trong báo cáo trước/.
Lê Minh