Kinh tế tiền mặt sẽ lùi vào dĩ vãng hậu COVID-19?

Kinh tế tiền mặt sẽ lùi vào dĩ vãng hậu COVID-19?
Khi số lượng giao dịch online tại các tổ chức tài chính tăng đột biến trong những tháng qua và người dân tự giác nâng cao ý thức trong việc hạn chế sử dụng tiền mặt để giảm nguy cơ virus SARS-CoV-2 lây lan, nhiều người tự hỏi liệu COVID-19 có phải là chất xúc tác cuối cùng giúp Việt Nam tiến nhanh hơn trên lộ trình trở thành nền kinh tế không tiền mặt?

Nói không với tiền mặt

Trong những ngày đầu tháng 4 thực hiện biện pháp cách ly toàn xã hội, đường phố Hà Nội bỗng vắng bóng người, cửa hàng, cửa hiệu đóng cửa tạm dừng hoạt động. Các ngân hàng dù không thuộc diện các lĩnh vực, ngành nghề phải đóng cửa nhưng lượng khách đến giao dịch cũng giảm đáng kể.

Phòng giao dịch của Ngân hàng SeABank trên con phố Tràng Tiền nhộn nhịp những ngày này gần như không có khách hàng trẻ đến giao dịch, có chăng chỉ một số khách hàng lớn tuổi không quá am hiểu về công nghệ sẽ trực tiếp đến đây giao dịch tại quầy, để chốt sổ tiết kiệm hay rút tiền.

Một nhân viên của ngân hàng này cho biết hầu hết các khách hàng trẻ đã chuyển hoàn toàn sang các hình thức giao dịch hay thanh toán online, để hạn chế việc phải ra khỏi nhà hay tiếp xúc trực tiếp với tiền mặt.

Tiền mặt có trở thành dĩ vãng sau đại dịch COVID-19 không? 

Tại Ngân hàng VPBank, giao dịch không dùng tiền mặt được khuyến khích với nhiều ưu đãi như miễn phí chuyển tiền nhanh liên ngân hàng đối với tất cả giao dịch, tặng lãi suất từ 0,2%/một năm cho khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến ở hầu hết các kỳ hạn và giảm 10-25% giá trị mua sắm trên nhiều trang thương mại điện tử.

Kết thúc quí 1, ngân hàng này ghi nhận giá trị giao dịch qua các kênh số hóa đã tăng 25% và số lượng giao dịch tăng 50% so với cùng kỳ.

Ngân hàng VIB thì cho biết số lượng thẻ tín dụng mở mới trong quí 1 tại đây đã tăng 36% so với cùng kỳ 2019, số lượng và giá trị giao dịch qua thẻ tín dụng cũng tăng lần lượt 63% và 43%. Kết thúc quí 1, VIB cũng ghi nhận tăng trưởng ấn tượng về số lượng và giá trị giao dịch qua Internet Banking và ứng dụng MyVIB với mức tăng 140% về số lượng và 116% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm trước.

“Ưu đãi, sự tiện dụng, thanh toán an toàn, bảo mật qua thẻ, Internet Banking và ứng dụng MyVIB, đặc biệt trong dịch COVID-19, đã tạo động lực rất lớn thúc đẩy khách hàng VIB chuyển sang phương thức thanh toán qua thẻ và ứng dụng di động”, bà Trần Thu Hương, Giám đốc Chiến lược kiêm Giám đốc khối Ngân hàng bán lẻ của VIB, cho biết.

Còn tại công ty tài chính tiêu dùng FE Credit, giao dịch online của thẻ tín dụng do đơn vị này phát hành trong tháng 3 tăng gần 58% so với 1 tháng trước đó. Ứng dụng $NAP cùng nền tảng công nghệ tiên tiến của FE Credit đã hỗ trợ khách hàng vay tiền trực tuyến, không cần tiếp xúc trưc tiếp với cán bộ bán hàng và giúp khách hàng chi tiêu không dùng tiền mặt một cách thuận lợi trong thời gian qua. 

Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch và đồng sáng lập Ví MoMo, chia sẻ: “Lượng giao dịch qua ví điện tử MoMo sau Tết Nguyên đán đã tăng rất mạnh, với mức tăng trưởng hơn 100% so với dự kiến của chúng tôi. Việc gia tăng này có nguyên nhân chủ yếu là do khách hàng tăng cường mua sắm và thanh toán trực tuyến để phòng tránh dịch Covid-19. Giá trị các giao dịch trung bình cũng tăng từ 50-100% do người tiêu dùng mua sắm một lúc nhiều thứ hơn so với thời gian trước đây.”

Động lực chuyển đổi

Đôi khi thay đổi một thói quen không đến từ giáo dục hay tuyên truyền, mà chỉ cần một con virus bé nhỏ với sức mạnh to lớn. Thói quen sử dụng tiền mặt cũng vậy, dù nhận thức rõ các lợi ích của thanh toán online nhưng vì tính tiện dụng của tiền mặt, nhiều người vẫn khó bỏ được thói quen giữ tiền trong ví. Chỉ đến khi tiền mặt trở thành ổ bệnh tiềm tàng trong mùa dịch, thói quen này mới được triệt để thay đổi.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu đạt tốc độ số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 20%-25% hàng năm trong Quyết định số 149/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Việt Nam, tuy nhiên, vẫn luôn bị đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ thanh toán không tiền mặt thấp trong khu vực, khi gần 80-90% giao dịch thanh toán vẫn qua kênh tiền mặt.
 

Theo ông Diệp của MoMo, từ thực tế bệnh dịch, người dân đã được nhà nước khuyến nghị tránh những nơi đông người, hạn chế đến mức thấp nhất việc đụng chạm vật lý với các vật trung gian được nhiều người sử dụng (tay nắm cửa ra vào, tiền mặt…) để hạn chế sự lây truyền của virus.

“Tôi cho rằng trước đây chúng ta chỉ xem việc sử dụng các phương tiện trực tuyến trong các dịch vụ, như thanh toán, giáo dục, dịch vụ công, khám chữa bệnh… là sự lựa chọn thứ hai, mang tính bổ sung cho phương thức trực tiếp, chính vì vậy các dịch vụ trực tuyến chưa thực sự được coi trọng. Trước nguy cơ của dịch COVID-19, người dân đã thấy được ưu thế của việc mua sắm trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt, cũng như sự cần thiết phải phổ biến giáo dục trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến, đặt khám chữa bệnh trực tuyến", ông Diệp nói.

Cũng theo ông Diệp, chính dịch bệnh đã tạo nên cú hích để toàn dân khám phá sức mạnh và sự tiện dụng của dịch vụ trực tuyến trong mọi lĩnh vực, trong đó có thanh toán trực tuyến. Một khi khách hàng đã trải nghiệm dịch vụ, thì tôi tin rằng họ hoàn toàn hiểu được tính tiện dụng và tại sao kinh tế số lại quan trọng đối với cuộc sống.

Dẫn số liệu từ Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), từ Tết Nguyên đán đến giữa tháng 3-2020, tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua Napas tăng 76%, tổng giá trị giao dịch tăng 124% so với cùng kỳ năm 2019.

“Diễn biến này phù hợp với xu hướng “nói không với tiền mặt”. Từ đó, có thể thấy, cộng hưởng từ nhu cầu tăng cao của người dùng cùng nỗ lực của hệ thống ngân hàng và các đối tác trong hỗ trợ và khuyến khích khách hàng gia tăng sử dụng các kênh thanh toán trực tuyến, thẻ… đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid-19 có thể biến thách thức từ dịch bệnh thành cơ hội để tạo sức bật cho phương thức thanh toán không dùng tiền mặt”, bà Hương của VIB đánh giá.

Dịch bệnh COVID-19 không sớm thì muộn sẽ được khống chế, tuy nhiên, theo ông Diệp của MoMo, sẽ có nhiều loại dịch bệnh mới xuất hiện trong tương lai. Do đó, việc có một kịch bản ứng phó, chuẩn bị một hạ tầng cơ sở trực tuyến phục vụ cho mọi nhu cầu của người dân là hết sức cần thiết và phải được thực hiện càng sớm càng tốt.

“Việc này không chỉ đơn giản là giúp phòng chống dịch bệnh, mà còn tạo ra lực đẩy cho toàn bộ nền kinh tế, thay vì tê liệt bởi dịch bệnh, vẫn có thể hoạt động ở mức tương đối bình thường. Nếu người dân được cung cấp đầy đủ mọi nhu yếu phẩm cần thiết mà vẫn ngồi tại nhà thì không ai hoảng loạn cả, không ai phải xông vào siêu thu gom hàng hóa cơ bản để làm gì. Các quán nước, quán ăn, cũng sẽ duy trì được lượng khách nhất định nếu họ có thể đặt hàng để sử dụng”.

Tags: Kinh Tế Tiền Mặt Giao Dịch Online Dịch Covid-19