Các nhà phân tích trên thế giới đang gấp rút đánh giá tác động do sự bùng phát của COVID-19. Trong số đó, Oxford Economics tin rằng nếu virus trở thành đại dịch có thể 'quét sạch' 1,1 nghìn tỷ USD khỏi nền kinh tế thế giới.
Một loạt các trường hợp tử vong mới do COVID-19 ở Ý, Iran và Hàn Quốc đã làm dấy lên những lo ngại về sự bùng phát dịch bệnh toàn cầu. Chứng khoán Mỹ sụt giảm ở mức mạnh nhất trong hai năm qua khi các nhà đầu tư 'chạy trốn' khỏi tài sản rủi ro và đổ tiền vào vàng và trái phiếu chính phủ.
Mọi con mắt đang đổ dồn về số người chết do virus bên ngoài Trung Quốc, một 'thước đo' quan trọng để dự đoán khả năng ngăn chặn dịch bệnh trong tương lai. Trong khi tốc độ lây nhiễm ở Trung Quốc đã chậm lại, những đợt bùng phát mới ở châu Á và châu Âu có thể khiến COVID-19 trở thành một đại dịch toàn cầu.
Các nhà kinh tế tại Oxford Economics đã chia sẻ những dự đoán của họ đối với sự sụp đổ của nền kinh tế thành hai kịch bản. Một trong những tình huống thiết thực nhất đó chính là "một tác động kinh tế lớn nhưng ngắn hạn" tập trung ở Trung Quốc, trước khi dịch bệnh bùng phát đến mức gây ra đại dịch. Tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm 0,2% đến tháng 2 trước khi tăng trở lại.
Nếu COVID-19 trở thành đại dịch ở châu Á, tăng trưởng GDP năm 2020 sẽ giảm 0,5%, tương đương 400 tỷ USD, dưới mức dự đoán của công ty. Sự suy giảm trong thương mại thế giới và nhu cầu của người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong nửa đầu năm trước khi phục hồi mạnh mẽ đến năm 2021.
Các nhà kinh tế học Adam Slater và Neil Walker đã dự đoán rằng nếu COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu, tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới sẽ giảm xuống gần bằng 0 trong nửa đầu năm khi Mỹ và các nền kinh tế của châu Âu bước vào suy thoái.
Điều này sẽ khiến GDP trong cả năm giảm 1,3%, 'quét sạch' 1,1 nghìn tỷ USD trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Ngay cả trong trường hợp đáng ngại hơn, nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi nhanh chóng sau sự ngăn chặn của đại dịch, nhóm nghiên cứu cho biết thêm. Virus này sẽ gây ra "cú sốc ngắn nhưng rất mạnh" cho GDP thế giới, tuy nhiên sẽ sớm phục hồi vào cuối năm 2020.
Các nhà kinh tế đã xem xét dịch SARS năm 2003 và dịch cúm lợn trong quá khứ để làm cơ sở cho những ước tính của họ. Oxford Economics dự đoán một đại dịch sẽ tác động đến các nền kinh tế thông qua một số yếu tố cụ thể, bao gồm nhu cầu tiêu dùng, nguồn cung lao động của các quốc gia, hành vi du lịch và vốn đầu tư.
Ngoài ra, các lĩnh vực tài chính trên thế giới sẽ phải chịu sự sụt giảm của giá cổ phiếu và chênh lệch thị trường tiền tệ ngày càng tăng.
Tính đến ngày 26/2, COVID-19 đã giết chết hơn 2.765 người và lây nhiễm hơn 81.000 người. Hiện 48 trường hợp tử vong đã được báo cáo bên ngoài Trung Quốc đại lục, và các trường hợp nhiễm bệnh đã được xác nhận xuất hiện tại ít nhất 37 quốc gia và vùng lãnh thổ.