Ảnh minh họa
Năm 2019, tỷ giá, lãi suất đã trải qua nhiều biến động, phần lớn do các tác động tiêu cực từ thị trường quốc tế. Tuy nhiên, sự ổn định kinh tế vĩ mô trong nước cùng với công tác điều hành tỷ giá thận trọng, linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phần nào "hóa giải" bớt áp lực và mang lại thành công ổn định cho thị trường ngoại hối, tỷ giá và lãi suất ở mức hợp lý.
Lãi suất 2019 đã được kéo giảm
Với góc nhìn của chuyên gia, nhiều ý kiến nhận định, 2019 là một năm đầy khó khăn của thị trường tài chính, tiền tệ với những diễn biến, ảnh hưởng của chính trường thế giới, song song với đó là sự leo thang căng thẳng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
TS. Bùi Quang Tín phân tích, trong năm qua, trên thế giới có 30 ngân hàng Trung ương các nước giảm lãi suất cơ bản. Trong xu hướng ấy, Việt Nam đã có nhiều đợt giảm tương ứng.
Lãi suất điều hành, lãi suất tái cấp vốn đã giảm một số lần, mỗi lần giảm từ 0,5-0,25%. Ngoài ra, trần lãi suất huy động dưới 6 tháng đã giảm từ 5,5% xuống 5%. Lãi suất dưới 1 tháng không kỳ hạn, giảm từ 1% xuống 0,8%. Lãi suất trên thị trường mở giảm từ 4,5% xuống 4%. Đặc biệt, mới đây, NHNN đã yêu cầu giảm 0,5% lãi suất cho vay cho 5 lĩnh vực ưu tiên.
Cũng theo TS. Bùi Quang Tín, lãi suất của ngoại tệ năm qua không biến động nhiều vì nhu cầu USD của người dân không lớn. Cụ thể, trần lãi suất USD huy động là 0%, lãi suất cho vay USD ngắn hạn từ 3%-3,5%, lãi suất cho vay USD trung và dài hạn từ 4,5-6%...
Nhìn chung, năm 2019, mặt bằng lãi suất giảm trên tất cả các “mặt trận”, từ lãi suất điều hành đến lãi suất cho vay, lãi suất huy động…
Năm 2020, có nhiều tín hiệu để giảm lãi suất
Nhìn nhận về biến động lãi suất trong năm 2020, TS. Bùi Quang Tín cho rằng, sau động thái giảm lãi suất USD lần thứ 3 trong năm 2019 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), lãi suất VND tại một số ngân hàng đã giảm nhẹ. Điều này được kỳ vọng sẽ kéo lãi suất cho vay giảm thời gian tới. Việc FED liên tục cắt giảm lãi suất thời gian qua đã tác động tích cực lên thị trường ngoại hối, cũng như giảm bớt áp lực tỷ giá tiền đồng, kể cả trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.
Ông Tín phân tích, mặc dù còn khó khăn trong việc tiết giảm chi phí đầu vào do phải tăng huy động kỳ hạn dài ngày để tái cơ cấu nguồn vốn, đáp ứng quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn tại Thông tư 19/2017/TT-NHNN, song nhiều ngân hàng đã tung ra gói tín dụng lãi suất ưu đãi để hút khách hàng cuối năm. Thêm vào đó, NHNN giảm thêm lãi suất tín phiếu lần thứ ba, hiện ở mức 2,25%/năm - đây cũng là điều kiện để các ngân hàng giảm thêm lãi suất, kích cầu tín dụng trong thời gian tới. Khi chi phí đầu vào giảm, doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất đầu ra cũng sẽ giảm theo.
TS. Bùi Quang Tín cho biết thêm, năm 2020, xu hướng chung của ngân hàng Trung ương các nước là tiếp tục giảm lãi suất cơ bản để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế khó khăn. Dự báo năm 2019 - 2020, lãi suất trên thế giới sẽ giảm 0,1-0,5%, đó là chưa tính đến sự leo thang trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, rồi mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ - Triều Tiên…
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng đến bài toán lãi suất 2020
Nếu sự căng thẳng tiếp tục kéo dài, thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên được xem như là quá khứ, năm 2020 tình hình sẽ phức tạp không kém năm 2019. Khi đó, lãi suất cơ bản các nước nhiều khả năng tiếp tục giảm và một số nước cũng đang muốn giảm lãi suất cơ bản về âm. Song song với xu hướng đó, NHNN có thể sẽ tiếp tục giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay, lãi suất điều hành.
Với lĩnh vực tỷ giá, theo nhận định của chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, năm 2020 sẽ là năm có nhiều biến động trên thế giới, bởi ảnh hưởng và tác động của chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc do chưa đạt thỏa thuận. Cùng với đó, sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ; Việc Ủy ban Tư pháp của Hạ viện Mỹ luận tội Tổng thống Donald Trump; Đảng Dân chủ đưa ra chính sách tăng thuế đối với người giàu… sẽ không chỉ ảnh hưởng đến chính trị mà còn ảnh hưởng đến tài chính, kinh tế của thế giới.
Trong bối cảnh đó, lãi suất của Việt Nam cũng bị tác động. Tỷ giá sẽ có xu hướng tăng, bởi nếu cuộc chiến tranh thương mại không được giải quyết thì đồng NDT sẽ mất giá, Trung Quốc lại tiếp tục phá giá đồng NDT… Kinh tế Việt Nam đã và đang phải phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Trung Quốc, thành ra, nếu cuộc chiến tranh thương mại không giải quyết được thì khả năng tỷ giá sẽ tăng cao và không thể ổn định như trong năm 2019.
“Hiện nay, cách điều hành của NHNN mang tính linh hoạt, sử dụng đồng bộ các công cụ trên cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô để đồng hành cùng kinh tế thế giới, trong điều kiện chính trị thế giới căng thẳng. Trong chính sách tiền tệ có những công cụ: tỷ giá, lãi suất, omo, hạn mức tín dụng trên thị trường bắt buộc. Các công cụ này, trong năm mới, hy vọng NHNN sẽ sử dụng tích cực đồng bộ để giữ ổn định lạm phát dưới 4%”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói./.
Chung Thuỷ