“Làm xiếc” tài chính kiểu Grab: Rất rủi ro, rất nguy hiểm

“Làm xiếc” tài chính kiểu Grab: Rất rủi ro, rất nguy hiểm
Trong vài năm gần đây, Grab có tốc độ phát triển vượt bậc. Nếu xét ở góc độ thị phần, đây là thắng lợi vô cùng to lớn. Tuy nhiên, xét ở góc độ tài chính, Grab có những cách “làm xiếc” tài tình, có thể mang lại rủi ro cho các bên liên quan.

Ảnh minh họa

Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2014, gần nửa thập kỷ trôi qua, Grab Việt Nam đã làm chủ thị trường khiến ngành xe ôm và taxi truyền thống gặp muôn vàn khó khăn. Vì vậy, có thể khẳng định, Grab đã giành được thắng lợi to lớn về thị phần.

Còn xét ở góc độ đầu tư và tài chính, Grab vẫn có nhiều điều khiến giới tài chính băn khoăn. Đó là việc đầu tư chéo và con số nợ quá khổng lồ mà Grab Singapore dành cho Grab Việt Nam.

Tại thời điểm 31/12/2018, vốn góp chủ sở hữu của Grab Việt Nam chỉ là 20 tỷ đồng. tổng nợ vay của Grab Việt Nam lên đến 2.706 tỷ đồng cao gấp 135 lần vốn góp chủ sở hữu. Nói cách khác, tỷ lệ nợ/vốn của Grab là 135. Điều đó cũng có nghĩa Grab có 1 đồng nhưng đi vay tới 135 đồng.

Kết quả kinh doanh của Grab
Kết quả kinh doanh của Grab

Điều đáng nói, những khoản vay khổng lồ này đều đến từ Grab Inc. và GrabTaxi Holdings Pte Ltd. Đa số các khoản vay đều có lãi suất là 0%.

Có một điểm đáng chú ý nữa là đầu tư chéo. Tại thời điểm cuối năm 2018, Grab Việt Nam có 2 cổ đông: ông Nguyễn Tuấn Anh và Grab Inc. Hai cổ đông này đóng góp 10,2 tỷ đồng (chiếm 51% vốn) và 9,8 tỷ đồng (chiếm 49% vốn). Thế nhưng, Grab Việt Nam lại có khoản phải thu vì cho vay với hai cổ đông này đúng bằng số vốn mà họ góp vào công ty: 10,2 tỷ đồng và 9,8 tỷ đồng.

Phóng viên đã trao đổi câu chuyện này với TS Nguyễn Trí Hiếu, người có nhiều năm đầu tư và hoạt động trên thị trường quốc tế.

- Việc đầu tư chéo giữa và Grab Việt Nam và các cổ đông có phải là lách luật không thưa ông?

Lách luật hay không thì không biết vì trong những vấn đề đầu tư thì phải xem sổ sách mới rõ cách làm việc của họ. Vì vậy, chưa thể khẳng định việc đầu tư chéo như thế có đúng luật hay không.

Tuy nhiên, hiện nay, trên thị trường có hiện tượng đầu tư chéo tương tự như vậy. Nhà đầu tư A cho nhà đầu tư B vay. B dùng số tiền đó đầu tư trở lại công ty đó, trở thành cổ đông của A. Với những trường hợp quan hệ chéo thì cần phân biệt rạch ròi giữa tiền đầu tư và tiền cho vay.

Tiền đầu tư là tiền mua cổ phần, dính “chết” với công ty. Đây là khoản đầu tư vĩnh viễn, công ty không bắt buộc phải trả lại cho người góp vốn. Còn tiền vay là có thời hạn, phải trả lại. Đây là 2 phạm trù khác nhau.

- Rủi ro mà hình thức đầu tư chéo này gây ra là gì thưa ông?

Hình thức đầu tư chéo này tạo rủi ro cho cả 2 bên. Chúng ta đưa ra ví dụ cụ thể. A cho B vay một khoản tiền có kỳ hạn 5 năm. B dùng số tiền đó góp vào công ty A hoặc cùng A lập một công ty khác. Sau 5 năm, B phải trả tiền cho A. Nếu B không có tiền để trả thì A sẽ thiệt hại.

Muốn có tiền, B còn cách khác là bán lại cổ phần cho A. Thời điểm đó, rủi ro cổ phiếu xuống giá, A không đồng mua lại hoặc không có tiền mua lại. B không có tiền trả, A có thể vỡ nợ.

Cách cho vay như thế để đầu tư là rất nguy hiểm.

Chuyên gia tài chính, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: VNF
Chuyên gia tài chính, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: VNF

- Grab Inc. góp vốn 9,8 tỷ đồng vào Grab Việt Nam nhưng lại cho Grab Việt Nam vay hơn 2.750 tỷ đồng, cao gấp 135 vốn Grab Việt Nam. Cách đầu tư này có gây ra rủi ro gì không thưa ông?

Grab Inc. chịu rủi ro lớn. Grab Việt Nam chỉ có 2 cổ đông là Grab Inc. và ông Tuấn Anh. Grab Inc. đã góp lại cho vay hàng ngàn tỷ. Nếu Grab Việt Nam không trả tiền thì rủi ro là lớn.

Có thể hiểu nôm na là Grab Inc. đầu tư vào Grab Việt Nam qua 2 hình thức: góp vốn cổ phần và cho vay. Liệu cách đầu tư này có đúng theo Luật đầu tư ở Việt Nam hay không thì tôi không đủ cơ sở để bình luận. Chỉ có thể khẳng định rủi ro của Grab Inc. và Grab Việt Nam là rất lớn.

Nếu Grab Inc. không cho vay thêm và không đòi nợ thì Grab Inc. vẫn thảnh thơi làm ăn. Nhưng nếu Grab Inc. không những không rót thêm tiền mà còn đòi nợ thì  nếu không có khả năng trả nợ, Grab Việt Nam rất có thể vỡ nợ.

- Hiện tượng này có xảy ra nhiều ở các công ty lớn trên thế giới không thưa ông?

Trên thế giới, đã có nhiều trường hợp như thế. Họ đầu tư và cho vay các công ty do họ thành lập. Họ làm thế và sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn với mục tiêu chiếm thị phần.

- Dưới góc độ tài chính, ông có khuyến khích kiểu đầu tư như vậy không?

Dưới góc độ tài chính, khi đi vay, cần quan tâm đến tỷ lệ đòn bẩy tài chính (số tiền vay/vốn chủ sở hữu). Tỷ lệ này không được quá cao. Tỷ lệ này đạt khoảng 2/1, 3/1 là bình thường nhưng lên đến 5/1 hoặc 10/1 (Có 1 đồng vay 10 đồng) là rất rủi ro. (Tại Grab Việt Nam, tỷ lệ này lên đến 135/1 – PV).

Xin cảm ơn ông!

Linh Trang

Tags: Công Ty Grab Chuyên Gia Kinh Tế Rủi Ro Đầu Tư Chiếm Thị Phần Vay Ngân Hàng