“Lạnh gáy” với hàng loạt vụ hack email doanh nghiệp Việt lừa cả triệu đô

“Lạnh gáy” với hàng loạt vụ hack email doanh nghiệp Việt lừa cả triệu đô
Như LĐO đã đưa tin, Tòa án Nhân dân TPHCM mới đây đã đưa ra xét xử vụ doanh nghiệp bị tin tặc xâm nhập email lừa tiền tỉ tại Việt Nam. Trên thực tế, trong những năm qua, không ít trường hợp lừa đảo bằng email giả đã xảy ra và mỗi vụ có số tiền bị lừa từ vài trăm ngàn đến hàng triệu USD.

Ảnh minh họa

Trường hợp Công ty TNHH Hella Việt Nam (trụ sở trên đường Nguyễn Thị Minh Khai), bị tin tặc xâm nhập hệ thống email và biết được Hella đang nợ đối tác tại Ấn Độ 3 đơn hàng giá trị 7.000Euro.

Ngay sau đó, tin tặc giả email của đối tác, yêu cầu công ty Hella chuyển tiền thanh toán vào một tài khoản khác có tên Công ty TNHH Tek Seng Rice Mill (có trụ sở tại đường Bùi Viện, Quận 1, TP.HCM).

Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số trường hợp mà đối tượng người nước ngoài gốc Phi có tên Chime Obiora Walter (quốc tịch Nigeria) cầm đầu với việc lợi dụng những người Việt mà hắn quen biết để mượn tên mở tài khoản tại ngân hàng Việt Nam. Trong thời gian từ tháng 2-4.2018, Chime đã thu về tổng cộng hơn 10 tỉ đồng từ các vụ lừa đảo bằng việc xâm nhập hệ thống email doanh nghiệp.

Đối tượng Cletus Chimaobi Hillary sau khi bị giam (ảnh:C.A).

Một trường hợp khác cũng là xâm nhập email doanh nghiệp đánh cắp thông tin giao dịch rồi từ đó lừa đảo hàng trăm ngàn USD liên quan tới hai đối tượng là Cletus Chimaobi Hillary (tức Chima, 35 tuổi, quốc tịch Nigeria) và Okonkwo Mathias Ugochukwu (còn gọi là Ugo, 32 tuổi, quốc tịch Nigeria).

Trong vụ án này, Chima và Ugo đã xâm nhập email của Công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen và đối tác, biết được Hoa Sen bán cho đối tác tại Malaysia lô tôn lạnh trị giá 144.000USD song đối tác mới thanh toán trước 29.000USD, và nhân viên Hoa Sen đã gửi email cung cấp hóa đơn tạm bán hàng và yêu cầu thanh toán khoản còn lại.

Đối tượng sau đó đã giả email của nhân viên phía Hoa Sen và yêu cầu công ty phía Malaysia thành toán khoản 115.000USD còn lại vào tài khoản của một người Việt tên Nhung mà nhóm Chima quen biết và lợi dụng để đứng tên tài khoản.

Việc làm này sau đó bị công ty Hoa Sen phát hiện và tố cáo. Chima và Ugo bị Công an TP.HCM khởi tố, bắt giam. Khai với cơ quan điều tra, đối tượng cho biết ngoài Công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen còn xâm nhập email của nhiều doanh nghiệp khác tại Việt Nam để khai thác dữ liệu và sau đó giả email của doanh nghiệp đó lừa đối tác để chiếm đoạt hàng chục ngàn USD. Năm 2014, hai đối tượng phải ra trước vành móng ngựa ở TPHCM và bị tuyên phạt mức án lần lượt là 14 năm và 12 năm tù.

Năm 2015, một doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển số tiền 500.000USD vào tài khoản của đối tượng lừa đảo mở tại Ngân hàng Noor Bank thuộc Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) cũng chỉ vì thông tin làm ăn, giao dịch qua email đã bị tin tặc xâm nhập và theo dõi. Khi vụ lừa đảo được phát hiện, đối tượng đã kịp rút 2/3 số tiền tại ngân hàng trên. Vào năm 2015, Thương vụ Việt Nam tại UAE đã ghi nhận 8 vụ doanh nghiệp Việt Nam bị tin tặc xâm nhập email và lừa đảo, nhờ đã phát hiện được và ngăn chặn ở những mức độ khác nhau cho nên đã  hạn chế thiệt hại cho các doanh nghiệp gần 4 triệu USD.

Cũng năm này, một doanh nghiệp Việt khác chuyên xuất khẩu gạo suýt nữa đã bị dính cú lừa 63 container gạo xuất đi trị giá gần 1 triệu USD.

Doanh nghiệp này sau khi nhận được thông báo L/C trị giá 2,3 triệu USD được mở từ khách hàng và ngân hàng phát hành thư tín dụng là Regnum (Nga). Thế nhưng, hơn một tháng sau khi chuyển 63 container gạo sang Dubai, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nhận được thanh toán từ phía ngân hàng Regnum.

Vụ việc sau đó được làm rõ, Regnum không phải là ngân hàng phát hành L/C và người nhận bộ chứng từ cũng không phải là người của ngân hàng này. Rất may 63 container gạo được can thiệp để đưa về lại Việt Nam nhưng doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam phải gánh chịu không ít các chi phí phát sinh.

Thế Lâm

Tags: Lừa Đảo Doanh Nghiệp Hack Email Tin Tặc Hacker