Hiện trạng Công ty chứng khoán tại Việt Nam
Luật Chứng khoán năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán năm 2010 ra đời về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phát triển giai đoạn đầu của thị trường chứng khoán nói chung và khối công ty chứng khoán nói riêng.
Ông Hoàng Phú Cường, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Cơ sở pháp lý đó đã tạo điều kiện hỗ trợ cho mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực tư nhân tham gia thành lập công ty chứng khoán. Đến năm 2008, số lượng công ty chứng khoán được thành lập là 105 công ty chứng khoán. Phần lớn trong số đó là công ty cổ phần, chỉ có số ít là công ty chứng khoán thuộc các ngân hàng thương mại nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Một số tổ chức tài chính có tên tuổi lớn trong khu vực và trên thế giới đã tham gia thành lập, góp vốn, mua để sở hữu trên 50% vốn điều lệ của công ty chứng khoán tại Việt Nam như: Công ty Chứng khoán KIS, Công ty Chứng khoán Mirae Asset, Công ty Chứng khoán Shinhan, Công ty Chứng khoán NH (Hàn Quốc), Tập đoàn tài chính Maybank, RHB (Malaysia), Tập đoàn Morgan Stanley (Singapore), Công ty Chứng khoán Yuanta (Đài Loan), Công ty Chứng khoán Aizawa (Nhật Bản)… Bên cạnh đó, hệ thống công ty chứng khoán đã phát huy tích cực vai trò là tổ chức trung gian trên thị trường chứng khoán thông qua việc thu hút hơn 2,2 triệu nhà đầu tư trong nước và nước ngoài mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại công ty chứng khoán (tăng hơn 7 lần so với năm 2007) và thông qua việc tư vấn cho các công ty đại chúng, công ty niêm yết huy động vốn qua thị trường chứng khoán, tư vấn cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, năng lực tài chính, năng lực quản trị của các công ty chứng khoán cũng đã được nâng lên một bước và đang tiếp tục được hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đến hết quý III/2019, tổng vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán lần lượt là 61.847 tỷ đồng và 77.738 tỷ đồng, lần lượt gấp 4,99 lần và 3,85 lần so với năm 2007. Nghiệp vụ, sản phẩm kinh doanh của các công ty chứng khoán được mở rộng: từ năm 2017, các công ty chứng khoán được cung cấp dịch vụ kinh doanh chứng khoán phái sinh (17 công ty chứng khoán được cấp phép thực hiện) và từ tháng 6/2019, các công ty chứng khoán được phát hành chứng quyền có bảo đảm (8 công ty chứng khoán được phép phát hành).
Tuy nhiên, thời gian qua, hệ thống công ty chứng khoán cũng bộc lộ một số hạn chế. Số lượng công ty tăng nhanh nhưng năng lực quản trị và tiềm lực tài chính chưa theo kịp, làm cho số lượng công ty chứng khoán yếu kém tăng lên sau khủng hoảng tài chính năm 2009. Từ năm 2012, các công ty chứng khoán buộc phải tự tái cơ cấu qua các hình thức bán cổ phần, phát hành mới cổ phần cho cổ đông mới, cắt giảm nhân sự, đóng cửa địa điểm kinh doanh, cắt giảm nghiệp vụ. Những công ty chứng khoán không thể tự tái cấu trúc đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát, kiểm soát hoạt động, chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy phép. Đến nay, số lượng công ty chứng khoán phải tái cấu trúc dưới các hình thức chiếm trên 30% tổng số công ty chứng khoán, số lượng công ty còn hoạt động là 74.
Trong quá trình tái cấu trúc các công ty chứng khoán, cơ chế xử lý thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của các công ty yếu kém, không duy trì điều kiện cấp giấy phép còn hạn chế; còn thiếu tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật trong điều chỉnh các hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán, tạo rủi ro pháp lý trong hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán.
Luật Chứng khoán định rõ 2 mô hình
cho Công ty chứng khoán
Luật Chứng khoán thế hệ hai đang được trình Quốc hội xem xét, thảo luận với một trong các mục tiêu chính là phải khắc phục được những hạn chế, tồn tại của Luật Chứng khoán hiện hành. Vì vậy, một trong những nội dung thay đổi cơ bản của Luật Chứng khoán thế hệ thứ hai là nội dung liên quan đến tổ chức, hoạt động của công ty chứng khoán. Theo đó, các nội dung sửa đổi cơ bản của Luật Chứng khoán là:
Thứ nhất, tiếp tục khẳng định ngành nghề kinh doanh chứng khoán là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán được tiếp cận theo hướng “chọn cho”, tức là công ty chứng khoán chỉ được thực hiện các hoạt động, nghiệp vụ kinh doanh được cấp phép, được pháp luật cho phép.
Thứ hai, mở rộng các nghiệp vụ, hoạt động kinh doanh cho công ty chứng khoán trên cơ sở năng lực tài chính, năng lực quản trị rủi ro của từng công ty chứng khoán.
Thứ ba, định hướng rõ phát triển công ty chứng khoán theo hai mô hình cơ bản là mô hình chuyên doanh (chuyên tư vấn đầu tư chứng khoán, chuyên môi giới chứng khoán) và mô hình đa năng (thực hiện tất cả các hoạt động kinh doanh là mảng ngân hàng đầu tư và mảng môi giới chứng khoán).
Thứ tư, quy định về điều kiện gia nhập và rút khỏi thị trường của các công ty chứng khoán rõ ràng hơn, tạo cơ sở pháp lý cho việc tái cấu trúc, xử lý công ty chứng khoán yếu kém, bảo vệ tài sản của nhà đầu tư.
Với các nội dung sửa đổi nói trên, sau khi Luật Chứng khoán được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành cùng với Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua theo Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 28/2/2019, các công ty chứng khoán sẽ tiếp tục được lành mạnh hóa. Mục tiêu hướng tới là xây dựng đội ngũ các công ty chứng khoán có tiềm lực tài chính mạnh, năng lực quản trị rủi ro tốt để phát triển và hội nhập. Các công ty chứng khoán yếu kém tiếp tục bị xử lý, đào thải.
Khi các công ty chứng khoán mạnh lên, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán sẽ được sử dụng các dịch vụ chứng khoán, tài chính tốt hơn, minh bạch hơn, củng cố khả năng được nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam trên thị trường mới nổi
Hoàng Phú Cường/Đặc san doanh nghiệp niêm yết