Hấp lực từ thương vụ M&A khủng
Theo tổng hợp của Công ty Chứng khoán SSI, lượng góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tăng rất mạnh trong 10 tháng đầu năm 2019. Cụ thể, trên cả nước có 7.509 lượt góp vốn, mua cổ phần của NĐTNN với tổng giá trị vốn góp 10,81 tỷ USD, tăng 70,5% so với cùng kỳ 2018. Trong số vốn góp trên, theo đánh giá của giới chuyên môn, lượng vốn đổ vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng chưa nhiều. Nhưng dự báo trong thời gian tới, lượng vốn này sẽ chảy mạnh khi M&A trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tiếp tục sôi động bởi có nhiều chất xúc tác đối với thị trường này.
Nhận định trên hoàn toàn có cơ sở khi sau thương vụ BIDV bán 15% cổ phần cho đối tác chiến lược Keb Hana Bank thu về gần 900 triệu USD thì trên thị trường lại đồn đoán có thông tin MB dự kiến chuyển nhượng 7,5% cổ phần theo phương thức phát hành riêng lẻ cho các NĐTNN vào cuối tháng 11/2019. Hiện MB đang làm việc với khoảng 40 nhà đầu tư từ các quốc gia bao gồm Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore và Hàn Quốc. Tham vọng của ngân hàng là thu về 240 triệu USD từ việc chào bán này.
Một thương vụ có giá trị cao không kém cũng đang được thị trường ngóng đợi, đó là "đại gia" Vietcombank chào bán riêng lẻ 6,5% cổ phần cho đối tác nước ngoài, dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Ngoài chất xúc tác mạnh trên, có điều dễ nhận thấy nhu cầu tăng vốn của các TCTD rất lớn để áp ứng yêu cầu về an toàn vốn theo Basel II. Theo số liệu của NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các TCTD bình quân giai đoạn 2016-2018 là 16,75%/năm, trong khi đó tăng trưởng vốn tự có bình quân chỉ là 11,73%/năm.
Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư trong nước còn hạn chế, để cải thiện CAR, các TCTD buộc phải tăng vốn tự có từ việc kêu gọi vốn ngoại hoặc bán cổ phần cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tiến trình tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 cũng đang vào giai đoạn chạy nước rút, nhất là đối với các ngân hàng yếu kém cần phải nâng cao năng lực tài chính nếu không muốn bị loại ra khỏi cuộc chơi.
Ngoài khuyến khích các NĐTNN nói chung và các định chế tài chính nước ngoài nói riêng mua lại, sáp nhập NHTMCP yếu kém của Việt Nam, Chính phủ cũng đã xắn tay vào việc này, tăng cường kết nối, xúc tiến làm việc với các tổ chức tài chính quốc tế. Qua đó các NĐT cũng thấy rằng quyết tâm hỗ trợ của Chính phủ đối với họ và khi Chính phủ vào cuộc, lòng tin của các NĐT đối với các ngân hàng sẽ cao hơn. Minh chứng trong thời gian gần đây các NĐT đến từ các nước trong khu vực liên tục đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư và ngỏ ý tham gia tái cơ cấu các ngân hàng Việt.
Ngoài các NHTMCP quốc doanh, các NHTMCP tư nhân cũng tích cực đàm phán bán cổ phần cho đối tác nước ngoài. Cụ thể, NCB cho biết, nhà đầu tư Nhật Bản và Singapore sẽ mua cổ phần trong đợt phát hành mới để trở thành cổ đông nước ngoài của NCB trong đợt tăng vốn điều lệ sắp tới của nhà băng này.
"Khỏe" để tồn tại
Chất xúc tác mới thúc đẩy M&A trong lĩnh vực ngân hàng theo nhận định của các chuyên gia ngân hàng là xu hướng phát triển của công nghệ 4.0 với sự phát triển nhanh của các Fintech đã trở thành mối đe dọa đến sự tồn tại của các tổ chức cung cấp các dịch vụ tài chính bán lẻ trên thế giới.
Trên thực tế, tự bản thân các ngân hàng cũng đã nhận thức được rằng cần phải có sự thay đổi toàn diện trong cách thức hoạt động, cung cấp sản phẩm, dịch vụ nếu không muốn trở thành một mắt xích rỗng trong hệ thống tài chính. Muốn làm được các ngân hàng cần có nguồn lực tài chính dồi dào. Điều này cũng sẽ thôi thúc các ngân hàng thực hiện M&A hoặc có thể là các ngân hàng Việt Nam thực hiện mua lại công ty fintech để giữ thị phần.
Sức ép đối với các ngân hàng còn xuất phát từ cuộc đua cạnh tranh thị phần thanh toán, bán lẻ nữa. Tại Dự thảo Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN đề xuất tỷ lệ tối đa phần vốn góp của các NĐTNN tại các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán bao gồm cả sở hữu trực tiếp và gián tiếp là 49% cũng sẽ tạo thuận lợi thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực tiềm năng này.
Chưa hết, NHNN đang xây dựng dự thảo trình Thủ tướng các quy định về ngân hàng đại lý (agent banking) và định danh khách hàng qua các phương tiện điện tử (e-KYC). Hai quy định này nếu được thông qua sẽ mở ra một sân chơi mới cho các công ty fintech tham gia trực tiếp cung cấp các dịch vụ tài chính cho đông đảo người dân ở Việt Nam. Đây có thể là động lực để các ngân hàng chủ động tích cực hơn tìm kiếm đối tác ngoại giúp nâng cao khả năng cạnh tranh với sự hỗ trợ về công nghệ, quản lý và chiến lược.
Không chỉ là từ nhu cầu của bản thân các ngân hàng, theo TS. Võ Trí Thành đó còn là đòi hỏi từ Chính phủ, NHNN. Tại Quyết định số 986/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện quy định về việc NĐTNN mua cổ phần của các TCTD Việt Nam theo hướng tăng tỷ lệ sở hữu của các NĐTNN đối với từng loại hình TCTD phù hợp với các cam kết quốc tế đã ký kết nhằm tăng cường huy động nguồn lực về vốn, công nghệ, quản trị của NĐTNN; đồng thời khuyến khích NĐTNN tham gia xử lý TCTD yếu kém...
Có thể thấy, để tồn tại, cạnh tranh và phát triển, trong thời gian tới, M&A vẫn là giải pháp phù hợp cho các ngân hàng. Tuy nhiên để các M&A trong lĩnh vực ngân hàng diễn ra suôn sẻ, thành công nhiều hơn nữa, một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, Chính phủ sớm sửa đổi, hoàn chỉnh các luật liên quan đến đầu tư - kinh doanh như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Xây dựng... để tháo gỡ các vướng mắc, xoá bỏ chồng chéo, cắt giảm chi phí thủ tục tham gia thị trường, chi phí kinh doanh của doanh nghiệp. Nhất là các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động M&A cần phải rõ ràng, cụ thể hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đặc biệt, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh phải sửa cơ chế về định giá đối với các NHTM Nhà nước. Theo quy định hiện hành, giá bán không được thấp hơn mức giá tổ chức tư vấn định giá, không được thấp hơn giá thị trường, phải được kiểm toán nếu cần. Từ thời điểm bắt đầu đàm phán cho đến thời điểm chốt giá thì giá thị trường có thể tăng gấp rưỡi, gấp đôi, làm phá vỡ kế hoạch tài chính của đối tác nước ngoài dẫn đến khó thương lượng.
Do đó, quy định trên cần sửa đổi phù hợp với thông lệ quốc tế để thu hút các NĐTNN. Có chung quan điểm, một chuyên gia cho rằng cần tạo thêm chất xúc tác cho hoạt động này thông qua việc linh hoạt hơn về room cho NĐTNN; hoạt động ngân hàng sẽ phải ngày càng minh bạch, áp dụng theo thông lệ chuẩn mực quốc tế trước mắt là Basel II…
Cùng với tiềm năng, sức khỏe từ nền kinh tế nói chung, các ngân hàng Việt Nam nói riêng ngày càng được tăng cường và với cơ chế cởi mở, thông thoáng hơn, phù hợp với thông lệ chuẩn mực quốc tế hứa hẹn sẽ có nhiều những thương vụ M&A ngân hàng khủng trong tương lai. Qua đó giúp công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài đều cán đích thành công, đạt cả về chất và lượng.