Do mức phạt người có nồng độ cồn lái xe có thể lên đến hàng chục triệu đồng, tước giấy phép lái xe 24 tháng, nên độ chính xác của máy đo nồng độ cồn được nhiều người đặc biệt quan tâm, bởi chỉ cần sai số nhỏ là mức phạt đã chênh nhau cả chục triệu đồng.
Những ngày qua, bên cạnh mức phạt cao, dư luận quan tâm nhiều tới chất lượng máy đo nồng độ cồn mà CSGT đang sử dụng khi tuần tra kiểm soát trên đường. Theo đó, thắc mắc nhiều nhất là máy xuất xứ từ đâu, có được kiểm định, độ chính xác ra sao... để đảm bảo khách quan trong xử lý vi phạm?
Tất cả máy đều có kiểm định
Nhiều địa phương áp dụng mức phạt kịch khung
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 5.1, thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó trưởng phòng Tuyên truyền, Cục CSGT (Bộ Công an), cho biết trong 3 ngày đầu năm 2020, CSGT trên toàn quốc đã xử lý khoảng 700 trường hợp tài xế vi phạm về nồng độ cồn, đã có khoảng 8 địa phương, trong đó có cả Cục CSGT áp dụng mức phạt kịch khung 35 triệu đồng đối với người vi phạm, trong đó có cả trường hợp người nước ngoài.
Đại diện Cục CSGT cũng cho biết, trong quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng CSGT đã ghi nhận một số trường hợp phát sinh, như do mức phạt cao nên người vi phạm có thể sẽ bỏ cả phương tiện. “Tuy nhiên, những trường hợp này chỉ là cá biệt và cũng không phải là vấn đề lớn và chúng tôi đều có phương án để giải quyết như trong quá trình xử lý, CSGT còn phải tạm giữ cả giấy phép lái xe, đồng thời việc bỏ phương tiện, không chịu thổi để đo nồng độ còn đều được lập biên bản ghi nhận và có thể bị xử lý về hành không chấp hành kiểm tra”, thượng tá Nhật nói.
Thái Sơn
Trước một số vấn đề dư luận đang quan tâm đặt ra, chiều 5.1, thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó trưởng phòng Tuyên truyền Cục CSGT (Bộ Công an), cho biết máy đo nồng độ cồn trang bị cho lực lượng CSGT khi tuần tra kiểm soát và xử lý được nhập từ Úc và các nước tiên tiến, đã được kiểm định của Bộ KH-CN, đảm bảo được các thông số kỹ thuật theo quy chuẩn. “Cảnh sát ở các nước tiên tiến đang sử dụng thiết bị nào thì CSGT chúng ta đang sử dụng tương đương như vậy. Các loại máy này tích hợp luôn với máy in, có 2 chức năng đo ống thổi và phễu thổi. Ống thổi mỗi người dùng 1 lần nên người dân an tâm, không phải lo sợ lây nhiễm bệnh truyền nhiễm gì cả”, ông Nhật cho hay.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, cho biết trước đây một số dự án có làm việc, hợp tác với Ủy ban ATGT quốc gia, tài trợ hoặc bán thiết bị đo nồng độ cồn cho một số địa phương. Gần đây nhất, Quỹ Bloomberg có tài trợ một phần và một phần thương mại hóa trong dự án cung cấp thiết bị đo nồng độ cồn cho TP.HCM. “Ủy ban ATGT quốc gia không bán các thiết bị đo nồng độ cồn. Việt Nam hiện nay cũng chưa sản xuất thiết bị đo nồng độ cồn, các loại máy đo nồng độ cồn đều nhập khẩu từ các nước như Đức, Úc, theo quy chuẩn chặt chẽ về tiêu chuẩn của châu Âu, cũng như đáp ứng tiêu chuẩn kiểm định của Bộ KH-CN Việt Nam”, ông Hùng nói và cho biết cụ thể các thiết bị này phải đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định theo văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam ĐLViệt Nam 107:2012 của Bộ KH-CN về phương tiện đo hàm lượng cồn trong hơi thở, được cấp chứng chỉ kiểm định như tem kiểm định, dấu kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định theo quy định. Về sai số, tiêu chuẩn cho phép sai số 0,020 mg/L hoặc 0,004% BAC với kiểm định ban đầu; hoặc 0,032 mg/L hoặc 0,006% BAC với kiểm định định kỳ. Chu kỳ kiểm định phương tiện đo hàm lượng cồn là 1 lần/năm.
Thổi 2 lần mới ra kết quả, người dân phàn nàn
Mức phạt đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn (Theo Nghị định 100/2019)
* Người điều khiển ô tô:
- Chưa vượt quá 50 miligam/100 ml máu hoặc 0,25 miligam/lít khí thở: phạt 6 - 8 triệu đồng; tước quyền sử dụng GPLX 10 - 12 tháng
- Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 ml máu hoặc quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở: phạt 16 - 18 triệu đồng; tước GPLX 16 - 18 tháng
- Vượt quá 80 miligam/100 ml máu hoặc quá 0,4 miligam/lít khí thở: phạt 30 - 40 triệu đồng, tước GPLX 22 - 24 tháng.
* Người điều khiển xe máy:
- Chưa vượt quá 50 miligam/100 ml máu hoặc 0,25 miligam/lít khí thở: phạt 2 - 3 triệu đồng; tước GPLX 10 - 12 tháng
- Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 ml máu hoặc quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở: phạt 4 - 5 triệu đồng; tước GPLX 16 - 18 tháng
- Có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở: phạt từ 6 - 8 triệu đồng; bị tước quyền sử dụng GPLX từ 22 - 24 tháng.
* Người đi xe đạp, xe đạp máy, xe đạp điện:
- Chưa vượt quá 50 miligam/ 100 ml máu hoặc 0,25 miligam/lít khí thở: phạt 80.000 - 100.000 đồng.
- Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 ml máu hoặc quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở: phạt 200.000 - 300.000 đồng
- Vượt quá 80 miligam/100 ml máu hoặc quá 0,4 miligam/lít khí thở: phạt từ 400 - 600.000 đồng.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, CSGT-TT trên địa bàn Đồng Nai sử dụng máy đo nồng độ cồn do Bộ Công an cung cấp. Một CSGT Công an TP.Biên Hòa cho chúng tôi xem chiếc máy đo nồng độ cồn có tem kiểm định, hạn sử dụng đến tháng 12.2020 và nhận xét: "Dòng máy này hơi cũ nên phải thở hơi dài mới đo được. Chứ nhiều nơi khác sử dụng máy hiện đại hơn, chỉ cần thổi nhẹ là biết có nồng độ cồn hay không".
Tối 5.1, PV Thanh Niên chứng kiến một nam thanh niên phàn nàn khi bị Công an TP.Biên Hòa làm nhiệm vụ trên đường Võ Thị Sáu (P.Thống Nhất) yêu cầu phải thổi đến 2 lần mới cho ra kết quả. Khi kết quả thể hiện không có nồng độ cồn, người này phàn nàn với công an: "Vậy mà nói là máy đo nồng độ cồn theo tiêu chuẩn quốc tế!".
Các đội thuộc Phòng CSGT và các công an các quận, huyện ở TP.Hải Phòng được trang bị máy đo nồng độ cồn do Úc hoặc Singapore sản xuất. Các thiết bị này được kiểm định tại Tổng cục Đo lường chất lượng 1 năm/lần. Máy có chế độ in kết quả ngay sau khi đo với thông số về thời gian đo và kết quả nồng độ cồn.
Tại Thanh Hóa, tính đến ngày 5.1 CSGT tỉnh được Bộ Công an cấp tổng cộng 133 máy đo nồng độ cồn. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, nhiều máy đo nồng độ cồn đã hư hỏng không thể sử dụng. Một CSGT cho biết trong quá trình sử dụng và kiểm định định kỳ (12 tháng/lần) loại máy này cũng có những sai số nhất định, nhưng không nhiều và không quá chênh lệch so với nồng độ cồn thực tế của người thổi.
Trong khi đó, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08) Công an TP.HCM cũng cho biết tất cả thiết bị kiểm tra nồng độ cồn đều được Công an TP.HCM, Ủy ban ATGT quốc gia trang bị; đều được kiểm định, đảm bảo chính xác trong khi thực thi công vụ. Theo quan sát của PV, tối 5.1, nhiều đội CSGT thuộc PC08 khi tuần tra, xử lý mang theo loại máy đo nồng độ cồn có tem kiểm định với dòng chữ “giá trị đến 08 - 20”. Thiếu tá Huỳnh Công Thắng, Phó đội trưởng Đội CSGT Chợ Lớn, cho biết hằng năm, máy đo nồng độ cồn đều được kiểm định. “Đến thời hạn kiểm định, đội sẽ đưa máy đo nồng độ cồn về Phòng PC08, phòng sẽ đưa đi kiểm định theo quy định. Đúng là vẫn còn một số máy đo nồng độ cồn vì sử dụng lâu, nên kết quả không được nhạy lắm”, thiếu tá Thắng nói.
Người được đo không đồng ý kết quả, xử lý ra sao ?
Đại diện Cục CSGT cũng cho hay, người dân không nên quá lo lắng khi có nhiều thông tin cho rằng chỉ vì ăn trái cây hay uống siro cũng dính phạt vi phạm nồng độ cồn. “Khi xử lý các trường hợp vi phạm, CSGT phải căn cứ vào nhiều yếu tố, ngoài định tính còn định lượng rồi kết hợp trình bày của người vi phạm. Ăn trái cây hay uống si rô mà có nồng độ cồn thì cũng chỉ ảnh hưởng trong thời gian ngắn, trong khi đó, CSGT sẵn sàng tạo điều kiện cho người vi phạm uống nước, nghỉ ngơi 15 - 20 phút rồi mới thổi lại”, thượng tá Nhật nói.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc BV Bạch Mai (Hà Nội), cho biết một số loại thức ăn hay một số loại quả lên men cũng có thể có ethanol, như: chocolate nhân rượu, một số thuốc si rô cảm cúm, dung dịch sát trùng, viên sát trùng miệng/họng... Việc kiểm tra nồng độ cồn có thể sàng lọc ban đầu, nếu cần có thể xét nghiệm lần 2. Nếu ăn phải những đồ ăn, thức uống có ethanol thì sau 15 - 30 phút sẽ được đào thải.
Trước ý kiến ăn quả vải có thể gây nhầm lẫn với nồng độ cồn trong khi thở, theo ông Khuất Việt Hùng, điều này không chính xác, bởi kết luận nồng độ cồn trong khí thở không chỉ theo thiết bị đo nồng độ cồn. “Lực lượng kiểm tra chỉ thực hiện đo khi xác định đối tượng có dấu hiệu vi phạm nồng độ cồn. Trường hợp người được đo không đồng ý với kết quả, có thể tiến hành bước thứ 2 là thử máu, nên không thể có chuyện nhầm lẫn như nhiều người lo ngại”, ông Hùng nói.
Thanh Niên