Theo cam kết tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ ngày 1/1/2020, Việt Nam phải xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường đối với các nước ASEAN. Như vậy, mức thuế suất nhập khẩu đường vào Việt Nam là 0% cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến cho việc sản xuất kinh doanh và tiêu thụ đường của nhiều doanh nghiệp càng trở nên khó khăn.
Thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho thấy, do cam kết thực thi Hiệp định ATIGA, dịch Covid-19 và còn tình trạng buôn lậu đường qua biên giới nên thời gian qua, 1/3 nhà máy đường trong Hiệp hội đã phải đóng cửa. Hiện nay, chỉ còn 29 nhà máy đường còn tồn tại, giảm 12 nhà máy so với năm 2017.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Thư kí VSSA đánh giá, dịch Covid-19 vẫn là tác nhân ảnh hưởng lớn nhất đến ngành mía đường. Thời gian qua, lệnh giãn cách xã hội đã buộc trường học tạm thời đóng cửa, nhiều lễ hội buộc phải hủy khiến nhu cầu tiêu dùng nói chung và mặt hàng đường nói riêng giảm sút.
“Từ đầu năm đến giữa tháng 4, các doanh nghiệp gần như không bán được hàng. Đường không bán được nhưng các doanh nghiệp vẫn phải cố gắng nâng giá thu mua mía cho người nông dân để giữ mía nguyên liệu sản xuất cho vụ tới. Nếu cứ duy trì tình trạng này và không nhanh chóng có giải phải kịp thời, ngành đường cũng sẽ rất khó có thể tồn tại”, ông Lộc nói.
Nhắc tới hoạt động của ngành mía đường từ đầu năm đến nay, đại diện Công ty CP Thành Thành Công-Biên Hòa (TTC Sugar) chỉ rõ, ngành đường Việt Nam đang chống chọi với “cuộc khủng hoảng kép” từ nhiều phía.
Trong đó, dịch Covid-19 đã dẫn đến sự đình trệ đồng loạt trong hoạt động sản xuất và giao thương kinh tế, sụt giảm trầm trọng nhu cầu tiêu thụ nguyên vật liệu sản xuất, trong đó gồm cả mặt hàng nhu yếu phẩm là đường. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh không cân sức giữa đường sản xuất nội địa với đường nhập khẩu từ Thái Lan theo cam kết ATIGA càng khiến ngành đường trong nước lao đao.
“Chính phủ Thái Lan trợ cấp cho ngành đường bằng nhiều hình thức khác nhau để đẩy mạnh xuất khẩu. Chính vì thế, khi đường Thái Lan nhập khẩu có giá rẻ đã đẩy hàng loạt nhà máy đường tại Việt Nam vào cảnh khó khăn, buộc phải đóng cửa vì không thể cạnh tranh về giá thành sản xuất. Nhiều người nông dân phải từ bỏ cây mía, khi nhà máy đường không thể chi trả giá thu mua đủ để trang trải và duy trì nghề trồng mía”, đại diện TTC Sugar nhận định.
Thời gian qua, việc thực hiện giãn cách xã hội nhằm đảm bảo kiểm soát dịch Covid-19 đã khiến dịch vụ ăn uống, nhà máy chế biến bánh kẹo tạm dừng hoạt động. Thông tin từ ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Nhà máy chế biến đường, Công ty CP Mía đường Sơn La cho hay, chỉ tính riêng từ đầu năm đến cuối tháng 4 vừa qua, lượng đường tiêu thụ của mía đường Sơn La sụt giảm tới 50% so với cuối năm 2019. Điều này dẫn đến việc Công ty này đang tồn kho tới 40.000 tấn đường.
Đa dạng sản phẩm, thị trường
Theo đánh giá của các chuyên gia ngành mía đường, khi hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường bị xoá bỏ, thuế suất nhập khẩu về 0% và thị trường mía đường được mở cửa hoàn toàn, nếu nhà máy nào đã chuẩn bị được nguyên liệu cũng như có thay đổi trong quản trị doanh nghiệp, đa dạng hoá sản phẩm thì dù có thể sẽ gặp khó khăn nhưng vẫn có thể tồn tại. Những doanh nghiệp chưa thích ứng được với những thay đổi lớn trong cuộc chơi này sẽ rất khó tránh khỏi việc phải phá sản.
Mặc dù vậy, đối với một số doanh nghiệp đường trong nước, khi bối cảnh dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát, việc cơ cấu lại quy trình chế biến theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, đủ khả năng cạnh tranh với thị trường khu vực và thế giới đang là hướng đi có phần khả quan.
Đặt nhiều kỳ vọng vào mùa Hè năm nay, ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Nhà máy chế biến đường, Công ty CP Mía đường Sơn La cho biết, nếu dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt, các hoạt động lễ hội như Tết Thiếu nhi, rằm Trung Thu, hoạt động văn hóa, xã hội được phục hồi, nhu cầu đường để sản xuất đồ uống, bánh kẹo, thực phẩm theo đó sẽ tăng cao là cơ hội tháo gỡ khó khăn cho nhiều doanh nghiệp.
Theo lãnh đạo TTC Sugar, hiện nay doanh nghiệp đang giảm bớt khó khăn bằng cách phối hợp, hợp tác chiến lược với các đối tác logistics chuyên nghiệp để tối ưu hóa hoạt động phân phối, đưa các sản phẩm đường chất lượng cao đến cho người tiêu dùng toàn cầu với giá tiêu dùng tốt nhất.
Bên cạnh đó, để đa dạng hóa dãy sản phẩm chính, chiến lược của TTC Sugar được triển khai xuyên suốt cho tất cả các kênh khách hàng, nghĩa là không chỉ cung cấp sản phẩm mà còn cung cấp giải pháp. Doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng tỷ trọng của các sản phẩm cạnh đường, sau đường và bổ sung đáng kể tỷ trọng của các sản phẩm trong chuỗi nông nghiệp nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển ổn định và bền vững.
Đưa ra giải pháp tổng thể và mấu chốt giúp ngành đường vượt qua khó khăn hiện nay, Tổng Thư kí VSSA Nguyễn Văn Lộc chỉ rõ, các doanh nghiệp hơn lúc nào hết phải nâng cao hiệu quả sản xuất. Song song với đó, ông Lộc cũng mong muốn Nhà nước cũng cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ giúp ngành đường vượt qua khó khăn thời kỳ Covid-19, hỗ trợ những tác động mới phát sinh từ Hiệp định ATIGA.../.
Nguyễn Quỳnh