Thói quen còn lớn
Thực trạng sử dụng tiền mặt trong thanh toán không đơn thuần là thói quen của đại đa số người dân ở nông thôn, miền núi, người lớn tuổi... mà phần lớn do những cản trở về phương tiện và kiến thức công nghệ thông tin, cách thức sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử trong giao dịch, sự không đồng bộ trong hạ tầng công nghệ và chính sách quản lý còn nhiều hạn chế khiến người dân chưa tin tưởng hoặc không đủ điều kiện tham gia vào chuỗi dịch vụ giao dịch không sử dụng tiền mặt.
Thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy: năm 2018 Việt Nam có 71,3 triệu người trưởng thành, thu nhập bình quân đầu người 2.062 USD, là một trong những nước có tỷ lệ người dân sử dụng tài khoản ngân hàng (NH) thấp. Dù trên 40% số dân có tài khoản NH nhưng 90% vẫn dùng tiền mặt chi tiêu hằng ngày, 99% sử dụng tiền mặt thanh toán các mặt hàng dưới 100.000 đồng, 85% giao dịch tại ATM là để rút tiền.
Không chỉ người dân mà ngay cả doanh nghiệp (DN), các hợp tác xã, hộ kinh doanh, chủ trang trại... cũng thường xuyên sử dụng tiền mặt trong giao dịch bởi phương thức này thuận tiện, không phức tạp; được chấp nhận ở mọi nơi; bảo đảm an toàn, riêng tư, không lộ thông tin cá nhân...
Tại Diễn đàn Ngân hàng Bán lẻ Việt Nam 2019 (Vietnam Retail Banking Forum) tổ chức ở TP.HCM vừa qua, ông Phan Đình Điền - Giám đốc Agribank chi nhánh Trung tâm Sài Gòn cho biết: Năm 2019 có 64 triệu người ở Việt Nam sử dụng Internet (trong đó, thông qua thiết bị di động là 61,73 triệu người); tải ứng dụng trên điện thoại đạt 2,7 tỷ lượt với doanh số 161,1 triệu USD (tăng trưởng 16% so với năm 2018). Nhưng số lượng người dùng điện thoại thông minh để sử dụng dịch vụ NH điện tử chỉ 4%, mua hàng trực tuyến 6%, trong khi kết nối sử dụng mạng xã hội tới 46% và tìm kiếm thông tin 45%.
Cần đồng bộ các nguồn lực
Thúc đẩy nhanh tiến độ thanh toán không sử dụng tiền mặt đối với hệ thống NHBL bằng những giải pháp hiện đại, an toàn, hiệu quả là xu thế tất yếu đối với các nhà cung cấp dịch vụ. Công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời điểm hiện tại, Việt Nam có 32 tổ chức không phải NH được phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán dưới các hình thức ví điện tử, cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ thu hộ, chi hộ, chuyển tiền điện tử... Bên cạnh các công ty Fintech, 24 NH trên cả nước đang triển khai dịch vụ thanh toán qua QR Code với 50.000 điểm chấp nhận; 76 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet, 44 tổ chức thanh toán qua ứng dụng điện thoại di động.
Hệ thống NHBL mà khách hàng chủ yếu là cá nhân, hộ gia đình, DN nhỏ và vừa với thế mạnh mang lại nguồn thu ổn định cho NH, hạn chế và phân tán rủi ro bởi số lượng khách hàng lớn. Các hoạt động bán lẻ còn góp phần mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa hoạt động NH và phải chủ động hợp tác với các công ty Fintech tạo sự liên kết trong chuỗi cung ứng dịch vụ; đảm bảo cho các giao dịch an toàn, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí dịch vụ.
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN Việt Nam cho rằng: Phổ cập tài chính cộng đồng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là chủ trương quyết liệt của Chính phủ. Bên cạnh đó, NHNN phải điều hành tín dụng tăng trưởng ở mức hợp lý, kiểm soát lạm phát, ổn định đồng tiền. Mặt khác, chỉ đạo các NH đẩy mạnh hoạt động bán lẻ, tạo đà cho chiến lược phát triển lâu dài và sức hút sôi động của thị trường hiện tại.
Theo Nguyễn Loan