Mở rộng thị trường xuất khẩu cá tra

Mở rộng thị trường xuất khẩu cá tra
Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu cá tra lớn của doanh nghiệp Việt Nam. Trong giai đoạn xuất khẩu khó khăn hiện nay, trước mắt, doanh nghiệp tập trung xuất khẩu(XK) vào hai thị trường này, nhưng cần mở rộng thị trường mới để tránh rủi ro cho mặt hàng xuất khẩu chủ lực này.

Tăng tốc xuất khẩu sang Trung Quốc

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, cá tra là nhóm hàng có tăng trưởng âm sâu nhất trong các mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam. Tính đến hết tháng 4/2020, xuất khẩu cá tra chỉ đạt 420 triệu USD, giảm gần 32% so với cùng kỳ năm 2019.  Thời gian qua, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 30%-33% thị phần xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Đối với thị trường Mỹ, châu Âu… dịch Covid-19 còn phức tạp, do đó cần có chiến lược đưa sản phẩm vào các thị trường này với sản lượng phù hợp. Nhiều dự báo cho thấy quý 3 năm nay thì thị trường cá tra mới tăng trưởng trở lại, tuy nhiên vấn đề đa dạng hóa thị trường đang được đặt ra khi thị trường Trung Quốc khó hồi phục hoàn toàn trong thời gian ngắn, còn thị trườn Mỹ vẫn còn ảnh hưởng bởi Covid-19.

Tại Hội nghị bàn giải pháp sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu cá tra trong bối cảnh hiện nay được tổ chức tại An Giang vào cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã vạch ra lộ trình xuất khẩu cá tra trong thời gian tới. Theo đó, trong tháng 5 và tháng 6/2020, các DN có thể tập trung vào xuất khẩu sản phẩm cá tra sang thị trường Trung Quốc, vì thị trường này đang phục hồi khá tốt. "Tiếp đó, từng bước tháo gỡ các thị trường khác, như thị trường châu Âu, thị trường Hoa Kỳ. Và quan trọng hơn là năm nay, Bộ đặt quyết tâm cùng với các DN, các địa phương mở tiếp những thị trường mới đầy tiền năng, như thị trường Nga, thị trường Nhật Bản, thị trường nội địa. Với thị trường nội địa 100 triệu dân này, đây mới là thị trường bền vững lâu dài", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Theo một số doanh nghiệp XK cá tra, kể từ tháng 2/2020, XK cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông đã khởi động trở lại và hoạt động XK đang dần trở lại bình thường. Chỉ trong nửa đầu tháng 3/2020, giá trị XK cá tra sang thị trường này đã được gần 13 triệu USD, tăng 1 triệu USD so với cả tháng 2/2020 trước đó. Nếu tốc độ XK tăng như dự đoán, một số doanh nghiệp XK cá tra tự tin nhận định rằng, giá trị XK cá tra sang Trung Quốc trong các tháng tới có thể tăng 40-50%.

Tiếp đó, từ tháng 6, tháng 7 trở đi có thể tiếp cận, khôi phục lại thị trường châu Âu. Đối với thị trường Nhật Bản cũng rất yêu thích sản phẩm cá tra, nhưng với thị trường này cần tăng cường chế biến sâu, sản phẩm chất lượng. Đồng thời, sẽ có chương trình đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nga trong thời gian tới.

Tận dụng EVFTA để mở rộng thị trường

Theo VASEP, sản lượng cá tra nuôi tăng nhanh, dư nguồn cung là nguyên nhân chính dẫn đến giá xuất khẩu giảm mạnh tại tất cả các thị trường. Nếu so với cùng kỳ năm 2019 thì xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 48%, sang EU giảm 47,3%, sang Mỹ giảm 19,8%... Sự sụt giảm quá nhanh khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phụ thuộc vào những thị trường này gặp khó khăn. Thách thức lớn hơn với ngành cá tra khi năm 2020 mở đầu bằng đợt dịch bệnh Covid-19 khiến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm một nửa so với cùng kỳ và chắc chắn sẽ giảm mạnh cho đến khi dịch bệnh được khống chế. Chỉ riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm đến trên 33% thị phần của ngành cá tra rõ ràng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Từ thực tế trên, các nhà chuyên môn cho rằng, thách thức này chính là động lực thúc đẩy DN mở rộng, tìm kiếm thị trường mới. Theo ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký VASEP, một trong những thị trường tiềm năng là Ấn Độ với dân số đứng thứ hai thế giới. Mặc dù, nước này cũng nuôi được khoảng 600.000 tấn cá tra mỗi năm nhưng thịt cá bị vàng và nhà máy chế biến tại đây chưa sản xuất ra được những sản phẩm cá tra philê thịt trắng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như của Việt Nam. Hiện, sản phẩm cá tra philê Việt Nam được xem sản phẩm cao cấp đang được nhập khẩu phục vụ trong các nhà hàng ở Ấn Độ.

Với thị trường EU, Hiệp định EVFTA đã chính thức được Nghị viện châu Âu phê chuẩn mở ra cơ hội mới cho các DN XK cá tra. Để tận dụng lợi thế, các DN cần chuẩn bị sẵn sàng trước khi mức thuế của cá tra sẽ về 0% trong ba năm tới. Trước mắt, do ảnh hưởng sản lượng từ các nhà máy chế biến cá thịt trắng tại Trung Quốc dẫn tới thiếu hụt nguồn cung cá thịt trắng tại thị trường EU cũng là cơ hội cho các DN cá tra của Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Dương Nghĩa Quốc cho rằng, với Hiệp định EVFTA sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành hàng cá tra Việt Nam thâm nhập thị trường lớn này. Bên cạnh ưu đãi về thuế nhập khẩu bằng 0%, sản phẩm cá tra còn tránh được việc một số nước trong cộng đồng EU “bôi bẩn” sản phẩm cá tra của Việt Nam, hay cạnh tranh không lành mạnh bằng cách dựng lên các hàng rào kỹ thuật phi thuế quan.

Ngoài việc mở rộng thị trường, để hỗ trợ DN, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong tháng 6, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp cùng các ngành liên quan mời những tập đoàn bán lẻ lớn ở Việt Nam ngồi lại, cùng nhau bàn giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cá tra ở thị trường nội địa; chỉ cần nội địa tiêu thụ được 10%-20% sản lượng cá tra thì sẽ giảm áp lực cho xuất khẩu đang khó khăn hiện nay.  

** Mới đây, Văn phòng Đăng ký Liên bang Mỹ đã công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính lần thứ 15 (POR15) đối với các lô hàng xuất khẩu cá tra Việt Nam vào thị trường nước này giai đoạn từ 1/8/2017 - 31/7/2018.

Theo đó, Công ty Cổ phần Thủy sản NTSF (bị đơn bắt buộc) và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (bị đơn tự nguyện) được hưởng mức thuế suất 0,15 USD một kg (trước đó là 1,37 USD). Các doanh nghiệp khác hưởng mức thuế bằng mức toàn quốc là 2,39 USD một kg.

Ngoài ra, có 2 doanh nghiệp xuất cá tra lớn nhất sang thị trường Mỹ là Vinh Hoan Corp và Bien Dong Seafood được giữ mức thuế suất lần lượt 0% và 0,19% trong đợt xem xét này. Như vậy, so với thuế của đợt rà soát trước, mức này giảm đi đáng kể. 

Lê Thu

Tags: Xuất Khẩu Cá Tra Thị Trường Xuất Khẩu Cá Tra Xuất Khẩu Thủy Snar Xuất Khẩu Thủy Sản Mặt Hàng Xuất Khẩu Chủ Lực Xuất Khẩu Sang Trung Quốc Vasep Mặt Hàng Thuỷ Sản Sản Lượng Cá Tra Cá Tra Cá Ba Sa Evfta Nuôi Trồng Thủy Sản Xuất Khẩu Cá