Các quy định của Bộ NN&PTNT như nuôi heo bằng bèo tây, cây chuối hay nuôi trùn quế...có thể bị xử phạt đã cản trở sáng tạo của người dân.
Sáng ngày 26/12/2019, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo về chủ đề dòng chảy pháp luật kinh doanh 2019. Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, năm 2019 vẫn tồn tại một số quy định mang tính "chọn cho" được xây dựng và ban hành.
Chẳng hạn đầu năm 2019, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư 02/2019 về Danh mục thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu hành tại Việt Nam. Theo đó, đưa ra danh mục thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu hành tại Việt Nam và người dân chỉ được phép kinh doanh những loại có trong danh mục.
Hay như trong thông tư 01/2018 về danh mục giống vật nuôi, Bộ NN&PT NT đang bỏ quên một số loài động vật mà hiện nay người dân vẫn đang nuôi, kinh doanh như trùn quế.
“Như vậy, việc rất nhiều cá nhân đang bán giống trùn quế hiện nay là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt” - ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, phương pháp chọn cho còn có thể gây cản trở tự do sáng tạo, sáng kiến của người dân và doanh nghiệp. Ví dụ, khi người dân phát hiện ra một loại thức ăn chăn nuôi mới sẽ không được phép kinh doanh.
Thống kê của VCCI, năm 2019 số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ít hơn so với các năm trước đó.
Tuy nhiên, theo nhóm chuyên gia thuộc Ban Pháp chế VCCI, số lượng văn bản giảm không đồng nghĩa với việc khối lượng công việc xây dựng pháp luật của các bộ, ngành giảm.
Hệ thống pháp luật về kinh doanh của nước ta đang đối mặt với vấn đề bất cập lớn đó là sự thiếu thống nhất, chồng chéo giữa các văn bản luật khi cùng điều chỉnh về hoạt động đầu tư, kinh doanh. Các thủ tục, điều kiện quy định tại một số văn bản pháp luật hiện không thống nhất, chồng chéo lên nhau.
“Năm 2020 với việc đặt trọng tâm vào việc giải quyết các điểm chồng chéo của các hệ thống thống pháp luật có liên quan và việc sửa đổi đồng bộ từ pháp luật, đến nghị định, thông tư chúng ta sẽ lấy lại được đà cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính của các năm 2016, 2018.
Từ đó cải thiện được môi trường kinh doanh đầu tư của nước ta trong bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế cũng như mang lại sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp và khơi dậy được nguồn vốn đầu tư còn đang rất lớn ở khu vực tư, công và khu vực FDI” - đại diện VCCI mong muốn.