Sáng nay 7-12, chuyến bay mang số hiệu VN216 cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) lúc 9 giờ 10 đã đánh dấu chuyến bay điều hành thứ 900.000 trong năm 2019 của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM).
Phát biểu tại buổi lễ chào mừng chuyến bay đặc biệt này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn cho rằng sự kiện chào đón chuyến bay điều hành thứ 900.000 của VATM là mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của Tổng công ty. Sự kiện này cũng thể hiện lớn mạnh của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam sau 25 năm chính thức tiếp nhận quyền điều hành bay phần phía Nam vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (1994-2019).
Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu Tổng công ty thời gian tới cần tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, tổ chức công tác không vận theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên tích cực; không được để tụt hậu về công nghệ và năng lực quản lý, điều hành bay; phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị quốc phòng, quản lý chặt chẽ vùng trời quản lý bay, đảm bảo an ninh Tổ quốc, không bị bất ngờ trong bất kỳ tình huống nào.
Năm 2019, VATM đã điều hành bay an toàn ước đạt 963 ngàn lần chuyến, tăng 7,02% so với thực hiện năm 2018. Tổng doanh thu đạt 4.119 tỉ đồng, tăng 6,23% so với thực hiện năm 2018. Nộp ngân sách nhà nước: 3.018 tỉ đồng, tăng 3,13% so với thực hiện năm 2018.
Theo Chủ tịch VATM Phạm Việt Dũng, trong những năm gần đây, việc gia tăng nhu cầu di chuyển nội địa và sự bùng nổ đầu tư trực tiếp nước ngoài đang giúp Việt Nam trở thành một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới. Nằm tại vị trí cửa ngõ giao thương hàng không của khu vực, vùng Thông báo bay (FIR) của Việt Nam đang có mật độ bay và tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới (khoảng 10% năm). Bình quân một ngày có trên 2.000 chuyến bay trên bầu trời Việt Nam.
Để đáp ứng được tình hình tăng trưởng hoạt động bay cao và giải quyết vấn đề tắc nghẽn hoạt động bay trên không cũng như dưới mặt đất, thời gian qua, VATM đã triển khai hàng loạt các giải pháp cấp bách nhằm cải tiến quy trình, áp dụng đồng bộ khoa học công nghệ mới, tích cực đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng để nâng cao năng lực tổ chức, quản lý điều hành bay của Tổng công ty.
Tới năm 2030, năng lực điều hành bay của Tổng công ty có thể đáp ứng lưu lượng hoạt động bay trong toàn bộ các FIR của Việt Nam đến 1,5 triệu lần chuyến/năm, đồng thời bảo đảm chất lượng các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay theo đúng các chuẩn mực quốc tế được Bộ GTVT và ICAO công nhận, tăng cường năng lực quản lý điều hành bay tại các vùng biển, hải đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Sự kiện lịch sử của ngành Hàng không Việt Nam
Sự kiện được ICAO trao lại quyền điều hành phần phía Nam Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh kể từ 0 giờ (giờ quốc tế) ngày 8-12-1994 đã đi vào lịch sử ngành Hàng không Việt Nam nói chung và của ngành Quản lý bay nói riêng bởi ý nghĩa quan trọng về cả chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh.
Sau 18 năm bền bỉ, khôn khéo và cương quyết, Việt Nam đã được Hội đồng ICAO trao lại quyền điều hành Vùng thông báo bay HCM. Đúng 0 giờ quốc tế ngày 8-12-1994, Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh đã chính thức điều hành, kiểm soát, cung cấp các dịch vụ không lưu cho toàn bộ hoạt động bay dân dụng trong vùng trời phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh.
Từ thắng lợi của việc được trao lại quyền điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh đã đánh dấu cho giai đoạn mở đầu hội nhập quốc tế về quản lý không lưu, cung cấp kịp thời, đầy đủ các dịch vụ điều hành bay, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hoạt động bay đi, đến và bay quá cảnh trong vùng trời trách nhiệm được giao. Thắng lợi này cũng đã tạo tiền đề cơ sở vững chắc cho Việt Nam trong việc giành lại quyền quản lý phần lớn phần phía Bắc FIR Hồ Chí Minh, đồng thời phân định rõ ranh giới vùng FIR Hồ Chí Minh với các vùng FIR kế cận.
Ở góc độ hiệu quả kinh tế, sự kiện này cũng đã giúp mở rộng vùng trời trách nhiệm điều hành bay của Việt Nam, một trong những vùng trời có mật độ bay cao trên thế giới, nhờ vậy tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
25 năm qua, VATM đã điều hành an toàn cho trên 9,5 triệu chuyến bay, trong đó 5,7 triệu lần chuyến bay hoạt động trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh. Tổng thu điều hành bay đạt trên 57 ngàn tỉ đồng, nộp Ngân sách Nhà nước trên 30 ngàn tỉ đồng. Bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo an toàn bay, VATM đã phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị quân đội và các cơ quan quản lý không lưu của các nước trong khu vực, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các hoạt động bay không đúng theo kế hoạch hoặc vi phạm quy chế bay, giữ vững an ninh vùng trời Tổ quốc.
D.Ngọc