Ảnh minh họa
Cụ thể, hết năm 2019, kim ngạch nhập mặt hàng rau quả của Thái Lan vào Việt Nam khoảng 486 triệu USD, mỗi ngày Việt Nam chi khoảng 30 tỷ đồng nhập mặt hàng này về nước.
Trong khi đó, lượng rau củ quả nhập từ Trung Quốc có kim ngạch hơn 455 triệu USD, trung bình người Việt phải chi gần 29 tỷ đồng để mua rau quả Trung Quốc mỗi ngày.
Bình quân, tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng rau củ quả của Trung Quốc và Thái Lan về Việt Nam là hơn 941 triệu USD, chiếm hơn 53% kim ngạch nhập khẩu rau quả các loại nhập về Việt Nam.
Năm 2019, lượng rau củ quả nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam cũng gia tăng mạnh, hết năm cả nước chi hơn 300 triệu USD nhập các mặt hàng rau quả từ nước này. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu rau củ quả của Úc về Việt Nam cũng đạt hơn 110 triệu USD…
Trong tháng 12/2019, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng rau quả về Việt Nam tăng mạnh ở hầu khắp các thị trường, điều này phản ánh xu hướng mua sắm hàng hoá dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán 2020 tăng cao.
Hiện rau quả của Trung Quốc và Thái Lan luôn có xu hướng tăng qua các năm và Việt Nam, trong đó các mặt hàng như táo, nho, rau xanh có xu hướng tăng lượng nhập khẩu. Một số loại hoa quả ôn đới của Trung Quốc nhập vào Việt Nam cũng tăng mạnh như su hào, bắp cải, khoai tây, cà chua.
Xoài, măng cụt, nhãn, chuối, mít và chôm chôm Thái nhập vào Việt Nam số lượng lớn qua các kênh phân phối siêu thị hoặc bán lẻ. Mặt hàng này hiện cũng có trong các cửa hàng hoa quả sạch phục vụ thực phầm, rau quả dịp Tết Nguyên đán.
Mặc dù là nước nông nghiệp nhiệt đới với khí hậu đa dạng, nhiều đặc sản hoa quả, song mặt hàng này vẫn có kim ngạch khiêm tốn so với lợi thế. Lượng và giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam vẫn phụ thuộc 90% vào thị trường Trung Quốc, tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu rau quả Việt Nam năm nay chỉ 1,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2019 đã giảm 400 triệu USD so với cùng kỳ năm trước chỉ đạt 2,4 tỷ USD. Điều này là do ảnh hưởng của việc Trung Quốc thắt chặt kiểm soát chất lượng, chủng loại và phương thức nhập khẩu các mặt hàng rau quả từ Việt Nam.
Các thị trường xuất khẩu rau quả khác như Nhật, Úc, Mỹ, EU dù về lý thuyết là rất rộng mở, song hầu như rau quả Việt không có đường vào bởi khó tuân thủ quy trình sản xuất, độ an toàn và chất lượng, kiểu loại vào thị trường các nước khó tính này. Mới đây, xoài, tranh leo, vú sữa của Việt Nam đã được phép xuất đi một số thị trường như Nhật, Úc và Mỹ, tuy nhiên chỉ số lượng hạn chế.
An Linh