Tại hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2019 và kế hoạch hoạt động năm 2020 vừa diễn ra, ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội lương thực thực phẩm (LTTP) TP.HCM cho biết: Năm 2019 nền nông nghiệp cả nước đối mặt với nhiều khó khăn khi tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chững lại. Cùng với chi phí đầu vào tăng cao, sự cạnh tranh gay gắt khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng các DN ngành chế biến LTTP gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nắm giữ thị phần trên thị trường nội địa.
Trong 11 tháng năm 2019, tại TP.HCM chỉ số phát triển ngành công nghiệp chế biến LTTP tăng nhẹ 12,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, ngành sản xuất đồ uống tăng 7,38% nhưng ngành sản xuất chế biến thực phẩm giảm 2,28% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân là do nhóm chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa giảm 14% khi nhà máy sữa Thống Nhất và nhà máy sữa Trường Thọ chuyển một phần sản lượng sữa cho các nhà máy ở tỉnh khác sản xuất. Nhóm ngành sản xuất mì ống mì sợi và các sản phẩm tương tự giảm 14,3% khi công ty CP Unben đang chuyển dần nhà máy sang Bình Dương sản xuất.
Tuy nhiên, tỷ trọng sản xuất công nghiệp ngành chế biến LTTP trong toàn ngành công nghiệp vẫn tăng trưởng 18,5%. Với tốc độ tăng trưởng ổn định, ngành chế biến LTTP góp phần quan trọng vào sự phát triển của bốn ngành công nghiệp trọng yếu nói riêng và ngành công nghiệp thành phố nói chung.
Để đạt mục tiêu thành phố đề ra trong thời gian tới, Hội kiến nghị thành phố sớm có chính sách quy hoạch phát triển khu cụm công nghiệp chuyên biệt dành cho DN ngành chế biến LTTP. Vì quy mô của DN ngày càng lớn mạnh nhưng tại TP. HCM hiện nay điều kiện về nhà xưởng, mở rộng sản xuất gặp khó khăn. Ví dụ tiền thuê đất rất cao, mức lương tối thiểu thuộc vùng 1, tuyển dụng lao động và điều kiện tiếp cận logistic khó khăn…
“Thành phố triển khai sớm quy hoạch này, tạo điều kiện để DN mở rộng sản xuất phục vụ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu tốt hơn. Như vậy, sẽ giảm thiểu đáng kể tình trạng các DN dịch chuyển sang các tỉnh lân cận đầu tư như hiện nay”, ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, thành phố nên sớm triển khai các phương án hỗ trợ thích hợp cho danh mục “nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của TP.HCM giai đoạn đến năm 2020”. Vì đã một năm kể từ ngày thành phố có chủ trương, sắp đến năm 2020 mà DN vẫn chưa tiếp cận được phương án hỗ trợ.
Hội kiến nghị Thành phố cùng các Sở ban ngành tăng cường tiếp xúc với DN, để trực tiếp lắng nghe rà soát những quy trình thủ tục bất cập gây phiền hà cho DN. Xác định những cơ quan, đơn vị nào gây khó dễ cho hoạt động của DN để có biện pháp hỗ trợ giúp DN...
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở công thương đánh giá cao vai trò Hội khi tập hợp được các DN lớn mạnh cùng nhau phát triển. Những năm qua Hội làm rất tốt vai trò cầu nối để các Sở ban ngành triển khai chủ trương chính sách, chương trình hành động về cho DN...
"Nếu Hội thống nhất, sắp tới Sở có kế hoạch tổ chức kí kết liên tịch giữa Hội với thành phố. Thông qua buổi kí kết này, những khó khăn, kiến nghị cụ thể của Hội sẽ được trao đổi để cùng nhau tháo gỡ” bà Trang nói.
TÚ UYÊN