Theo đó, vì chạy đua tìm kiếm khẩu trang để trang bị cho nhân viên y tế trong cuộc chiến chống COVID-19, Chính phủ Mỹ đã đặt một đơn hàng khẩu trang diệt khuẩn N95 trị giá hơn 110 triệu USD với mức giá rất cao từ những lái buôn chưa rõ danh tính. Trong số hơn 20 triệu chiếc khẩu trang N95 có thời hạn giao hàng vào cuối tháng 5, ít nhất 80% đơn hàng rơi vào tay những nhà cung cấp chưa bao giờ giao dịch với chính quyền liên bang hoặc trước đó chỉ thực hiện các đơn hàng nhỏ không liên quan đồ dùng bảo hộ, thiết bị y tế.
Giá trung bình mà Chính phủ Mỹ đặt mua là gần 6 USD/chiếc, gần gấp 6 lần giá niêm yết, nhưng không chênh lệch nhiều so với giá thị trường. Hầu hết các đơn hàng đều được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu và chính phủ sẽ trả tiền khi nhận được hàng. Một số nhà cung cấp đã không đáp ứng được thời hạn giao hàng, hoặc phải rút lui sau đó bởi những vấn đề liên quan đến nguồn cung. Thậm chí, công ty mẹ của một nhà cung cấp đang trong tình trạng phá sản và chủ sở hữu bị cáo buộc phạm tội lừa đảo.
Trước chỉ trích từ dư luận vì cách thức xử lý khủng hoảng COVID-19, chính quyền Tổng thống Donald Trump gần đây đã ký nhiều hợp đồng liên quan đến mua sắm thiết bị, vật dụng y tế phòng chống dịch. Trong đó có việc đặt mua 600 triệu khẩu trang N95 từ các nhà sản xuất lớn, có tên tuổi như hãng 3M và tập đoàn Honeywell International Inc. với giá chưa đến 1 USD/chiếc. Số hợp đồng này có thời hạn đến cuối năm 2021, nhưng một số đang hoàn tất giao hàng. Ngoài đơn hàng từ chính phủ, 3M và các nhà cung cấp khác cũng bán khẩu trang cho các bệnh viện thông qua mạng lưới phân phối thông thường.
Trong khi đó, khẩu trang N95, được cho là có khả năng chặn tới 95% vi khuẩn, đang rất khan hiếm. Chính điều này đã tạo ra một thị trường đầy rẫy những nhà trung gian, buôn hàng giả và cả số mới gia nhập thị trường vì tham lợi nhuận lớn.
Một tuần trước hạn chót phải cung cấp 785.000 khẩu trang N95 cho Bộ Cựu chiến binh theo đúng lịch gia hàng ngày 8/4, công ty trúng thầu là Wright Consultants & Associates LLC đã phải phải chào mức giá mua 7 USD/chiếc bao gồm cả phí vận chuyển và phí lưu kho. Chủ tịch công ty, ông Bernard Wright Jr., đã phải lên mạng LinkedIn để chuyển lời mua chính thức.
Theo chia sẻ của ông Wright, công ty Wright Consultants & Associates LLC thường chỉ nhận các hợp đồng cải tạo bệnh viện công. Ông đã ký hợp đồng trị giá 5,5 triệu USD với Bộ Cựu chiến binh ngày 1/4.
Lúc đầu, ông nghĩ việc mua khẩu trang N95 không có gì khó khăn, hoàn toàn có thể thông qua mạng lưới các nhà cung cấp đối tác sẵn có. Nhưng thực chất Wright đã bị đặt vào tình huống khó xử, khi những người bán hàng không có khẩu trang đạt chất lượng theo đúng yêu cầu, hoặc là có ý định ăn chênh lệch giá. “Đây là một thị trường có rất nhiều hoạt động gian lận và nhiều kẻ gian dối” - ông Wright chia sẻ.
Bộ Tư pháp Mỹ hôm 10/4 cũng bắt giữ một người đàn ông sinh sống ở bang Georgia với cáo buộc có ý định bán cho Bộ Cựu chiến binh hàng triệu chiếc khẩu trang, đồ bảo hộ y tế không tồn tại trên thực tế. Nhiều vụ gian lận tương tự cũng đang được theo dõi, điều tra.
Nhiều chính quyền và bệnh viện địa phương cũng đang hướng đến các nhà cung cấp phi truyền thống, trả giá cao đối với mặt hàng khẩu trang giữa lúc dịch COVID-19 bùng phát mạnh. Thành phố New York đã ký thỏa thuận với hơn 15 công ty về cung cấp khẩu trang, nhưng 2/3 trong số này trước đó chưa từng có thời gian làm việc, cộng tác với thành phố.
Còn giới buôn hàng thì cho rằng nhu cầu khẩu trang rất lớn, đến mức mà chỉ cần chậm vài phút mặc cả giá có thể dẫn đến hệ quả đơn hàng sẽ ngay lập tức rơi vào tay người khác. “Khẩu trang được dỡ xuống xe tải lúc 9 giờ, đến 9 giờ 10 phút, tức là chỉ sau 10 phút, cả đống hàng đã được bán xong. Chẳng khác gì ma túy đá và cocaine”, Mohamed Shafeek, một nhà môi giới khẩu trang ở Mianmi chia sẻ.
Ông Bill Childs, luật sư làm việc cho công ty 3M, cho biết các lái buôn thường đổ xô tới các nhân viên chạy hợp đồng của chính phủ bởi đó là “nơi có thể kiếm tiền”. 3M đã khởi kiện nhiều hãng bán khẩu trang, cáo buộc số này cố tìm cách cho quan chức chính phủ với giá cao, giả danh có liên hệ với 3M. Một trong số hợp đồng liên bang lớn nhất rơi vào tay Panthera Worldwide LLC - một công ty nhỏ ở Virginia, trước đây chưa từng kinh doanh khẩu trang. Trong hợp đồng chỉ định thầu, Panthera đồng ý cung cấp 10 triệu khẩu trang N95 cho Cơ quan Quản lý Thảm họa Liên bang (FEMA), với tổng trị giá 55,5 triệu USD, thời hạn giao hàng là ngày 1/5.
Công ty mẹ của Pathera đang làm các thủ tục phá sản. Hai người chủ sở hữu công ty mẹ bị các công ty khởi kiện tội lừa đảo và cả hai đều bị Cơ quan Thuế vụ (IRS) phát lệnh điều tra vì các khoản nợ thuế năm 2018. Theo Douglas Kahle, một luật sư ở Virginia đại diện cho các công ty đứng ra khởi kiện, rất có thể một hợp đồng lớn như thế sẽ về tay số chủ sở hữu kia. Thật khó có thể tưởng tượng chính phủ lại không làm tốt chức trách điều tra, tìm hiểu đối tác trước khi ký hợp đồng.
James V. Punelli, một đồng chủ sở hữu Panthera, cho biết hãng cung cấp khẩu trang không bị phá sản và là nhà thầu có lịch sử hợp tác thành công với chính phủ. Ông gọi các cáo buộc lừa đảo là “sai lệch và phù phiếm”, khẳng định hãng có nguồn cung đáng tin cậy, chất lượng cao và thông qua mối quan hệ hợp tác với Bộ Quốc phòng và chắc chắn Panthera sẽ giao lô hàng theo đúng hạn ngày 1/5. FEMA cho biết hiện chưa chuyển bất kỳ số tiền nào cho Panthera. Việc chi trả sẽ chỉ được thực hiện sau khi FEMA nhận, kiểm tra, xác thực lô hàng khẩu trang theo đúng chi tiết trong hợp đồng.
Hợp đồng mua khẩu trang lớn nhất của Bộ Cựu chiến binh là lô khẩu trang có tổng trị giá 64,9 triệu USD, được ký vào cuối tháng 3. Theo đó, trong giai đoạn 1, công ty Federal Government Experts LLC đồng ý cung cấp cho Bộ Cựu chiến binh 6 triệu khẩu trang với mức giá 5,90 USD/chiếc, giao hàng ngày 25/4. Kèm đó là một thỏa thuận hứa hẹn khác 5 triệu khẩu trang nữa, với giá và ngày giao hàng không thay đổi.
Federal Government Experts LLC là công ty nhỏ, mới thành lập hơn 2 năm. Dữ liệu hợp đồng liên bang cho thấy công ty này còn chưa nằm trong cơ sở dữ liệu của chính phủ vì chưa từng có bất kỳ một hợp đồng liên bang nào trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát.
Hoài Thanh