Ngày 13/01, Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã công bố quyết định dừng gắn mác Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, và cho biết rằng quốc gia này đã thực hiện các cam kết thực thi không phá giá đồng Nhân dân tệ và công bố thông tin về tỷ giá hối đoái.
Quyết định này được đưa ra sau khi Bộ Tài chính Mỹ công bố “Báo cáo về chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ”, trong đó xem xét, đánh giá các hoạt động tiền tệ của 20 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ. Báo cáo được phát hành hai ngày trước khi Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin cho biết, Bộ Tài chính Mỹ đã chốt thỏa thuận quan trọng trong giai đoạn một với Trung Quốc, điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo cơ hội lớn hơn cho các công nhân và doanh nghiệp Mỹ.
Trước đó, vào tháng 8/2019, Mỹ từng gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, khi cho rằng ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cho phép đồng Nhân dân tệ suy yếu để trả đũa các mức thuế quan của Mỹ.
Theo điều khoản được đưa ra trong thỏa thuận thương mại mới này, Trung Quốc sẽ cam kết không hạ giá đồng tiền và sẽ công bố chi tiết hơn về hoạt động trên thị trường ngoại hối.
Chính sách tiền tệ đã nổi lên như là công cụ mới nhất của chính quyền Trump để viết lại các quy tắc thương mại toàn cầu mà ông nói đã làm tổn thương các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Ông đã đưa chính sách ngoại hối thành một phần quan trọng trong các thỏa thuận thương mại với Mexico, Canada, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Các quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ tương đương với 2% GDP sẽ nằm trong danh sách giám sát thao túng tiền tệ. Các yếu tố khác bao gồm can thiệp liên tục vào các thị trường tiền tệ của một quốc gia và thặng dư thương mại ít nhất là 20 tỷ USD . Các quốc gia có hai trong ba tiêu chí sẽ bị đưa vào danh sách giám sát.