Xin giới thiệu bài của nhà báo Alexander Sitnikov trên “Bình luận quân sự” Nga
Cổng thông tin của Trung tâm Hàng hải Khu vực (RMIFC)- một tổ chức bảo vệ an ninh biển và đấu tranh chống nạn cướp biển cho biết: Nga có khả năng sẽ xây dựng (hoặc lên kế hoạch xây dựng) một căn cứ quân sự tại cảng Berber của Somaliland - Nhà nước chưa được công nhận, và là một phần của Somalia.
Những tin tức về việc này, ban đầu được báo New York Times đưa tin, giống như là sự bành trướng của ông Putin tại Châu Phi, đã thổi bùng lên ngọn lửa trong cộng đồng chuyên gia quốc tế. Nhưng tờ báo không đưa ra một bằng chứng nào.
"Các quan chức Mỹ, khi phân tích những gì gọi là sự cạnh tranh của các cường quốc, nói rằng họ rất lo lắng bởi ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga, cũng như Trung Quốc, trong khi Washington đang cố gắng hết sức để áp đặt các mục tiêu kinh tế và an ninh của mình trên lục địa Đen" – Tờ New York Times phân tích.
Người ta cho rằng Lầu năm góc đang giảm đội ngũ quân sự ở châu Phi là do "yếu về tài chính", còn Nga nhìn thấy điều này, nên đã quyết định nắm bắt thời cơ.
Thực tế là trong khu vực Sừng châu Phi có Berbera, là mối quan tâm chiến lược do vị trí có ảnh hưởng đến nền kinh tế của kênh đào Suez và toàn bộ Trung Đông.
Vả lại, ở khu vực Djibouti ngay bên cạnh cũng đã có các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ và Trung Quốc, điều này cho thấy tầm quan trọng của khu vực này trong sự liên kết của các lực lượng quốc tế.
“Không có Nga, tình hình ở đây sẽ trở nên buồn chán và thậm chí là có gì đó sai sai”, bài báo của NYT kết luận.
Vì Liên bang Nga là một trong ba cường quốc, nên Nga bắt buộc phải chứng minh tư chất mới của mình ở Châu Phi.
Điều gây tò mò là: phía Mỹ đề cập đến cả bản báo cáo chính thức của Bộ Quốc phòng Nga, mặc dù không trích dẫn các tài liệu hoặc gương mặt quan chức Nga cụ thể nào.
Từ những nguồn tin của mình, người Mỹ gần như cho rằng Điện Kremlin đã chuẩn bị chi tiết về những gì cần phải hình thành ở căn cứ Somaliland: Nơi đây sẽ có bến neo đậu cho 6 chiếc tàu - cho 2 tàu khu trục và 4 chiến hạm.
Nga cũng sẽ xây dựng 2 hầm chứa tàu ngầm lớn. Và, tất nhiên, một vài đường băng cất hạ cánh có thể tiếp nhận tới 6 máy bay ném bom hạng nặng và 15 chiếc Su.
Rõ ràng là, Nga sẽ trang bị hệ thống phòng không "không thể xuyên thủng". Và tất nhiên, phải có một thị trấn nhỏ cho 1.500 quân đồn trú. Nói tóm lại là, bên cạnh các căn cứ hải quân của Mỹ và Trung Quốc sẽ xuất hiện thêm một căn cứ của Putin.
Các chuyên gia Mỹ không viết rõ căn cứ đó sẽ phải chi phí hết bao nhiêu, mặc dù rõ ràng là mong muốn của Moscow sẽ chi vào đây một khoản tiền khá lớn. Để làm rõ số tiền đang đặt dấu hỏi, chúng ta đưa ra một ví dụ của UAE.
Dubai đã đầu tư hơn 400 triệu đô la vào cảng biển Berbera, và chi số tiền tương tự cho việc tái thiết sân bay địa phương. Đổi lại, người Ả Rập đề nghị được dành cho một vị trí nho nhỏ làm căn cứ quân sự của họ ở thành phố Hargeisa - thủ đô của Somaliland.
Người ta giải thích rằng, nếu không có căn cứ nói trên thì không thể bảo vệ cơ sở hạ tầng của Vịnh Aden và Biển Đỏ khỏi nạn cướp biển, và không thể bảo vệ Somaliland tránh khỏi cảnh bạo lực triền miên của các bộ lạc.
Cũng như phương án, Moscow sẽ đồng ý lấy cảng Sayla, nếu UAE gặp rắc rối, nhưng khi đó Nga sẽ phải đầu tư rất nhiều tiền vào đó. Mặt khác, Ả Rập Saudi đã xây dựng một căn cứ quân sự ở Berber, mặc dù họ chưa công nhận Somaliland là một quốc gia độc lập.
Riyadh đã được cho phép, rõ ràng là phải mất một khoản rất lớn, được gọi một cách khiêm tốn là "tiền quyên góp". Về vấn đề này, sẽ hợp lý khi cho rằng chi phí của Nga có thể ước tính tới hàng trăm triệu đô la.
Quả thật, hiếm khi có cái giá mềm như vậy. Vương quốc Ả Rập Saudi và các nước vùng Vịnh hóa ra chỉ cách có 5 phút để các tên lửa và máy bay chiến đấu của Nga có thể bay tới. Điều này có nghĩa là người Ả Rập cũng sẽ phải tính đến thực tế này khi lên kế hoạch chống lại Moscow.
Trong "câu lạc bộ bạn bè" của Somaliland, ngoài Hoa Kỳ, Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất ra còn có các bên liên quan như Liên minh châu Âu, Ả Rập Saudi, Qatar, Ấn Độ, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Hàn Quốc cũng được liệt kê.
Khối lượng hợp tác thương mại và kinh tế của hầu hết các quốc gia và tổ chức trong danh sách này đều lớn hơn Nga. Và đây sẽ là một điểm trừ rất lớn của Moscow trong trò chơi địa chính trị trên lục địa đen.
Một bài báo trên tạp chí New African, xuất bản vào tháng 11 năm 2018, nói rằng Moscow đang cố gắng thuê một căn cứ bằng số tiền tượng trưng, hứa sẽ đổi lại bằng việc công nhận Somaliland là một quốc gia độc lập, đồng thời bảo đảm cung cấp lực lượng Không quân và Hải quân cho Somaliland.
Một lần nữa, New African, cũng giống như Thời báo New York, lại đưa ra giả thuyết nhưng không cung cấp bằng chứng.
Rõ ràng là với một chính sách như vậy, về bản chất, có nghĩa là nhà nước liên bang Somalia sẽ đổ vỡ và sẽ trở thành một bộ phận trung tâm là Mogadishu (thủ đô của Somalia) và các thực thể lãnh thổ khác không được công nhận. Từ quan điểm của luật pháp quốc tế, một chính sách như vậy không được hoan nghênh.
Đúng là, Moscow có lý lẽ khá vững chắc để ủng hộ Somaliland dưới hình thức công nhận tội ác diệt chủng với tộc Isaac (cư dân của Somaliland), diễn ra dưới thời cai trị của nhà độc tài Somalia Mohammed Siad Barre.
Liên Hợp Quốc cũng đã nhận được một lá đơn xin được quốc tế công nhận về sự tàn bạo khủng khiếp xảy ra ở những nơi này.
Theo các nhà hoạt động nhân quyền địa phương, có tới 200.000 đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã bị xử tử và chôn vùi trong các ngôi mộ tập thể. Việc công nhận tội diệt chủng sẽ có nghĩa là khởi đầu cho sự hình thành Somaliland với tư cách là một quốc gia độc lập.
Các đối thủ
Cần phải lưu ý rằng các tin tức trong tháng hai này của Thời báo New York về các kế hoạch của Moscow cho một căn cứ quân sự ở vùng Sừng châu Phi thực sự không phải là thông tin mới mẻ gì.
Ngay từ năm 2018, khi đề cập đến một “Người phát ngôn của Somaliland” nào đó, một cổng thông tin phân tích của Mặt trận phía nam Alt-Media, có thiện cảm với Nga, đã thông báo về việc Bộ quốc phòng LB Nga sẽ xây dựng một cơ sở quân sự nhỏ gần thành phố Sayla, đã bị phá hủy trong cuộc nội chiến.
Sau đó các đặc điểm của căn cứ quân sự theo kế hoạch cũng đã được công bố. Và khi đó, không có ai trong số các chuyên gia nghiêm túc tin vào kế hoạch chưa được ai lên tiếng rõ ràng của Liên bang Nga.
Vấn đề là Sayla nằm trong vùng lãnh thổ tranh chấp, vì chuyện này mà Somaliland và Djibouti tỉ thí với nhau, và nơi đây đã có căn cứ quân sự của Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Do đó, dù muốn hay không, nếu Moscow công nhận Somaliland và xây dựng căn cứ ở Sayle, thì sẽ chạm trán với Hoa Kỳ và thậm chí cả với Trung Quốc, những quốc gia đã hứa bảo đảm an ninh cho Djibouti.
Ngoài ra, Nga sẽ buộc phải tranh cãi với Iran, và làm cho Syria khó chịu, vì Hargeisa đang theo đuổi chính sách cực kỳ thù địch đối với người Hussites - những đồng minh và là anh em trung thành về đức tin của Tehran và Damascus.
Về thực chất, Somaliland đã tuyên bố một cuộc chiến tranh lạnh với Yemen, qua đó kết thân với Mogadishu. Điều hợp lý là Moscow sẽ được yêu cầu hỗ trợ các nước vùng Vịnh trong vấn đề quan trọng này.
Hơn nữa, việc quân sự hóa quốc tế Vịnh Aden và Biển Đỏ đã biến khu vực này trở thành một trong những điểm nóng nhất hiện nay của thế giới.
Đó là lý do tại sao việc Nga nhận được quyền đặt căn cứ quân sự ở Berber hoặc Sayl sẽ đồng nghĩa với việc Putin sẽ phải đồng ý tiến tới một hiệp ước hữu nghị và nghĩa vụ không xâm lược đối với các đồng minh hào phóng của họ như Ả Rập Saudi và UAE.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Liên bang Nga, với tư cách là một quốc gia rất mong muốn tăng cường ảnh hưởng quốc tế trên thế giới, cần có một căn cứ quân sự ở khu vực Sừng châu Phi.
Và hiện nay, chỉ có Somaliland mới có thể cung cấp địa điểm để tiến hành việc này, nhưng sự liên kết của các lực lượng trong cái ổ chính trị Trung Đông rõ ràng là không ủng hộ Moscow, vì Nga không thể nào có thể nhất trí quan điểm với Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngay cả khi chúng ta hình dung rằng Nga có thể sẽ xây dựng một căn cứ quân sự đắt tiền, thì người Mỹ chắc chắn sẽ kéo chúng ta (Nga-ND) vào một cuộc tranh giành quốc tế nào đó.
Để có thể tồn tại trong khu vực, Nga cần phải có ảnh hưởng kinh tế tương tự như của Trung Quốc hoặc Vương quốc Ả rập Saudi. Nghĩa là, trong trường hợp đó phải giải quyết vấn đề bằng tiền.
Nhưng, như các phương tiện truyền thông ở Riyadh viết, Moscow không có nhiều tiền để có thể rải hàng tỷ đô la cho Saudi. Tất nhiên, Somaliland sẽ nói lời cảm ơn vì đã công nhận họ, nhưng, như kinh nghiệm cho thấy, điều này ít ảnh hưởng đến chính sách tiếp theo.
Yếu tố có quân đội mạnh chỉ mang lại 1/3 lợi thế (sức mạnh mềm) trong các vấn đề quốc tế, nếu không muốn nói là ít hơn. Cần phải có một nền kinh tế mạnh, như Hoa Kỳ và Trung Quốc, hoặc rất nhiều tiền, như Vương quốc Ả rập Saudi.
Vì Nga hiện không có gì để hãnh diện về hầu bao của mình, nên việc mở rộng ảnh hưởng của Nga trong khu vực này sẽ khó lòng thực hiện.
Tất Thịnh (Dịch)