Ảnh minh họa
Đại sứ quán Mỹ và Iran tại Bắc Kinh gần đây đăng một loại bài công kích lẫn nhau bằng tiếng Trung lên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, trước sự theo dõi của hàng trăm triệu người dùng Internet nước này. Họ cáo buộc nhau kích động bạo lực, gọi nhau là những kẻ khủng bố.
Đại sứ quán Mỹ cáo buộc Iran "để lại vết máu khắp mọi nơi", trong khi sứ quán Iran lên án Mỹ tiến hành vụ không kích hạ sát tướng Qassem Soleimani hôm 3/1 và thề sẽ kết liễu "các thế lực ma quỷ của Mỹ ở Tây Á".
Cuộc đấu khẩu giữa hai "kình địch" khiến người dùng mạng xã hội Trung Quốc thích thú. Ở Trung Quốc, các tranh cãi ngoại giao hiếm khi diễn ra trước mắt công chúng và chính quyền thường kiểm duyệt các bài đăng về chính trị.
Màn cãi vã diễn ra khi Washington đang gây áp lực buộc các công ty công nghệ Mỹ kiểm duyệt nội dung của các nhóm mà nước này xác định là tổ chức khủng bố. Facebook đang kiểm duyệt một số bài viết ủng hộ Iran, bao gồm cả trên nền tảng Instagram. Công ty cho biết họ có nghĩa vụ phải xem xét một số bài đăng để tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trong khi đó, Iran nhiều năm qua tìm cách cản trở luồng thông tin từ phương Tây khi chặn Facebook, Twitter và các mạng xã hội khác với người dùng nước này.
Các hãng tin Trung Quốc đưa tin sát sao về cuộc đấu khẩu của đại sứ quán Mỹ - Iran, mô tả Weibo là "chiến trường mới" giữa hai nước. Từ khóa "khẩu chiến trên Weibo" thu hút hơn 1,5 triệu lượt xem ngày 16/1.
Chính quyền Trung Quốc có một trong những hệ thống kiểm duyệt khắt khe nhất thế giới, thường xuyên chặn những bài đăng trên Internet bị coi là nhạy cảm chính trị. Bài viết của các nhà ngoại giao nước ngoài cũng bị kiểm duyệt, đặc biệt là về các chủ đề như Triều Tiên hoặc nhân quyền.
Nhưng Bắc Kinh vẫn để cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Iran tiếp tục diễn ra trên Weibo, có thể vì nó thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, khiến công chúng bớt chú ý đến các vấn đề nội tại của nước này, các nhà phân tích đánh giá.
"Bất kỳ chủ đề nào khiến công chúng phân tâm, không chú ý đến các vấn đề nội bộ Trung Quốc đều có lợi cho Bắc Kinh", Fergus Ryan, nhà phân tích của Viện Chính sách chiến lược Australia, nói. "Đây là trường hợp Bắc Kinh hưởng lợi khi Iran và Mỹ cãi nhau".
Nhiều người dùng mạng Trung Quốc tranh thủ dịp này để chỉ trích Mỹ "theo chủ nghĩa đế quốc", ca ngợi Weibo vì không can thiệp vào các bài đăng của hai bên, trong khi Facebook kiểm duyệt một số bài đăng.
Tài khoản Weibo của đại sứ quán Mỹ với hơn 2,6 triệu người theo dõi cho biết họ ủng hộ việc tranh luận. "Chúng tôi hoan nghênh các cuộc thảo luận và tranh luận, cả ủng hộ lẫn chỉ trích chính sách của Mỹ", đại sứ quán Mỹ ra tuyên bố.
Đại sứ quán Iran, với hơn 300.000 người theo dõi trên Weibo, không đưa ra bình luận.
Trung Quốc và Iran đã thúc đẩy quan hệ trong những năm gần đây, đặc biệt khi các lệnh trừng phạt của Mỹ làm gia tăng áp lực kinh tế đối với Tehran. Ngoại trưởng Javad Zarif tới thăm Bắc Kinh vào cuối tháng 12/2019, chỉ vài ngày trước khi tướng Soleimani bị Mỹ hạ sát. Tại cuộc họp với Zarif, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chỉ trích "hành vi bắt nạt" của nước ngoài, bình luận được coi là nhắm vào Mỹ.
Trong các bài đăng trên Weibo, sứ quán Iran cố gắng lấy lòng người dùng mạng Trung Quốc, cảm ơn họ vì đã ủng hộ và thậm chí còn mời họ đến Iran trong kỳ nghỉ Tết sắp tới. "An toàn không phải là vấn đề", họ viết.
Giới chuyên gia cho rằng Iran rất muốn được công chúng Trung Quốc chú ý và đón nhận. "Trung Quốc cung cấp cho Iran những huyết mạch kinh tế và chính trị rất quan trọng trong những năm gần đây, khi các lệnh trừng phạt của Mỹ bóp nghẹt nước này", Hongying Wang, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Waterloo, Canada cho biết.
"Những phản hồi tích cực từ công chúng Trung Quốc có thể giúp chính quyền Iran làm đẹp hình ảnh trong mắt chính người dân của họ", bà nói thêm.
Phương Vũ