Trụ sở Ngân hàng Nhà nước tại Hà Nội.
Ngày 13/1, Bộ Tài chính Mỹ chính thức công bố báo cáo về ngoại hối với các đối tác thương mại lớn của Mỹ. Kết luận cuối cùng về kỳ đánh giá này đối với việc Việt Nam có thao túng tiền tệ hay không đã được xác định.
Cùng với việc ngừng gọi Trung Quốc là “nước thao túng tiền tệ”, báo cáo vừa công bố của Mỹ lập danh sách 10 quốc gia cần “chú ý theo dõi” các hoạt động tiền tệ, nhưng không gán mác “thao túng tiền tệ”.
10 quốc gia này gồm: Trung Quốc, Đức, Ireland, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thụy Sĩ và Việt Nam.
Như vậy, Việt Nam tiếp tục có tên trong danh sách giám sát, nhưng không bị xem là thao túng tiền tệ như một số quan ngại tính toán thời gian qua.
Trong kết luận trên, một yếu tố quan trọng và mang tính chất “Tái ông thất mã” được chú ý.
Báo cáo trên đưa ra nhận định, thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam với Hoa Kỳ tiếp tục tăng đáng kể, đạt 47 tỷ USD trong bốn quý cho đến tháng 6/2019. Trong cùng thời gian này, thặng dự cán cân vãng lai trên GDP của Việt Nam đã giảm dần, xuống còn 1,7% GDP.
Điểm được chú ý đối với chính sách tiền tệ của Việt Nam, phía Mỹ cho là can thiệp vào thị trường ngoại hối thường xuyên, nhưng quan trọng là theo cả hai chiều.
Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã chuyển đến Bộ Tài chính Mỹ những dữ liệu đáng tin cậy rằng các giao dịch mua ròng ngoại hối là 0,8% GDP trong bốn quý cho đến tháng 6/2019. Các giao dịch mua ròng này diễn ra trong bối cảnh dự trữ vẫn nằm dưới các chỉ số bảo đảm tiêu chuẩn và có cơ sở hợp lý để xây dựng lại dự trữ.
Điểm quan trọng là, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã can thiệp cả ở hai hướng, trong đó việc bán ra ngoại tệ để giữ ổn định tỷ giá, tránh phá giá VND, được phía Mỹ ghi nhận.
Đó là quãng can thiệp trong nửa cuối năm 2018. Giai đoạn đó, tỷ giá USD/VND tăng mạnh, theo hướng VND mất giá mạnh. Ngân hàng Nhà nước đã có quãng bán ròng ngoại tệ khá lớn. Dù lượng ngoại tệ bán ra đi cùng với dự trữ ngoại hối tạm giảm đi, nhưng “Tái ông thất mã”, nhà điều hành đã tạo chiều can thiệp cần thiết mà phía Mỹ ghi nhận.
Tuy nhiên, báo cáo trên cũng nêu khuyến nghị, Việt Nam nên giảm bớt sự can thiệp và cho phép các biến động trong tỷ giá hối đoái phản ánh các nguyên tắc kinh tế cơ bản, bao gồm sự đánh giá dần dần tỷ giá hối đoái thực sự hiệu quả. Việt Nam cũng nên tăng tính minh bạch của can thiệp ngoại hối và nắm giữ dự trữ. Còn trên thực tế, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cập nhật khá đều và cụ thể về hoạt động mua vào ngoại tệ, cũng như về thay đổi của quy mô dự trữ ngoại hối.
Như vậy, kết luận cuối cùng đã đưa ra, Mỹ không gọi Việt Nam thao túng tiền tệ, dù vẫn nằm trong danh sách giám sát.
Một điểm được chú ý nữa là, kết luận trên gắn với kỳ đánh giá từ nửa cuối 2018 đến tháng 6/2019, bao gồm quãng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bán ra mạnh ngoại tệ để ổn định tỷ giá. Còn kỳ đánh giá tiếp theo, một phần còn nằm ở tương lai.
Minh Đức