Mới đây Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Han Jun đã nói với hãng tin Caixin của Trung Quốc cho biết, nước này sẽ duy trì hạn ngạch hàng năm trong nhập khẩu đối với ngô, lúa mì và gạo.
Hạn ngạch này thiết lập khối lượng lúa mỳ, ngô và gạo có thể được nhập khẩu với mức thuế 1%.
Khối lượng nhập khẩu cho năm 2020 đã được thông báo hồi tháng 9/2019 và vẫn bằng với mức của các năm trước đó. Hạn ngạch nhập khẩu bên ngoài thường hiếm do mức thuế lên tới 65%.
Hạn ngạch hàng năm của Trung Quốc đối với lúa mỳ là 9,64 triệu tấn, ngô là 7,2 triệu tấn, còn gạo ở mức 5,32 triệu tấn. Tuy nhiên, hạn ngạch này ít được sử dụng tới do Trung Quốc dựa vào sản lượng trong nước. Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy nước này đã nhập khẩu khoảng ba triệu tấn mỗi vụ trong năm 2018, con số này quá thấp so với hạn ngạch đặt ra. Song để đạt tới con số 40 tỷ USD hàng nông sản như trong thỏa thuận thì Bắc Kinh sẽ buộc phải phá bỏ hạn ngạch.
Trung Quốc đã được yêu cầu mua thêm 40 tỷ USD nông sản Mỹ, theo lời Tổng thống Mỹ Donald Trump nhưng với hạn ngạch mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, cam kết này dường như là không thể.
Những tưởng Trung Quốc sẽ thay đổi hạn ngạch này để thực hiện phù hợp với các cam kết của Mỹ. Nhưng Thứ trưởng Han Jun nói rằng, hạn ngạch này được cung cấp cho thị trường quốc tế. Trung Quốc sẽ không điều chỉnh hạn ngạch vì riêng một nước nào.
Hơn nữa, do thương chiến với Trung Quốc, Bắc Kinh đã chuyển hướng nhập khẩu các nông sản từ nhiều quốc gia bao gồm Brazil, Nga, Ukraine. Việc thay đổi khách hàng chỉ trong một sớm chiều vì bản thỏa thuận thương mại có lẽ sẽ càng khiến khả năng mua nông sản Mỹ giảm xuống.
Dar Friedrichs, nhà phân tích hàng hóa cao cấp châu Á tại INTL FCStone nói với SCMP rằng, sẽ càng khó hơn khi Trung Quốc cấp hạn ngạch cứng cho các sản phẩm nông sản như lúa mì, ngô và gạo. Đây không phải là các sản phẩm nhập khẩu chủ lực từ Mỹ song nó làm giảm các lựa chọn của người mua hàng Trung Quốc ở thị trường Mỹ.
"Tôi đã luôn nghĩ rằng con số 40 tỷ USD mà Mỹ đặt ra sẽ khó khăn. Nhưng nó sẽ khó khăn đáng kể hơn khi các lựa chọn bị giới hạn nếu nhập khẩu lúa mì, ngô và gạo từ Mỹ" - ông Dar Friedrichs cho biết.
Nhà phân tích giải thích rằng, dựa trên giá hiện tại, tổng hạn ngạch nhập khẩu sẽ cho phép nhập khẩu thêm 1,26 tỷ USD ngô và 2,32 tỷ USD lúa mì vào năm 2020, những con số quá nhỏ so với tham vọng 40 tỷ USD của ông Donald Trump.
Được biết ngày 13/1 tới, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ đến Mỹ để chuẩn bị cho việc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Phái đoàn do ông Lưu Hạc dẫn đầu dự định đến sớm hơn nhưng đã sắp xếp lại kế hoạch sau dòng tweet của Tổng thống Trump cho biết ông sẽ ký thỏa thuận vào ngày 15/1.
Trong một diễn biến liên quan, thâm hụt thương mại của Mỹ đã giảm 8.2% xuất phát từ việc nhập khẩu giảm 2,5 tỷ USD trong khi xuất khẩu tăng thêm 1,4 tỷ USD kể từ tháng 10/2019.
Các số liệu mới nhất cho thấy thâm hụt tổng thể trong năm 2019, chứng kiến xuất khẩu giảm nhẹ 0,1 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm trong khi nhập khẩu giảm 3,9 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2018.
Theo The Hill, sự sụt giảm về thâm hụt thương mại sẽ là tin tức đáng hoan nghênh cho Tổng thống Trump, người luôn cho rằng thâm hụt thương mại là một dấu hiệu của sự yếu kém của nước Mỹ.
Các nhà kinh tế vẫn cho rằng, thâm hụt thương mại giảm không phải là tốt hay xấu đối với sự thịnh vượng của nền kinh tế. Một số lo ngại rằng việc giảm nhập khẩu có thể cho thấy sự "mềm mại" của nhu cầu trong nước, một động lực chính của tăng trưởng kinh tế.
Hải Lâm