Ảnh minh họa.
Năm 2019, ngành điều không chỉ giữ vững ngôi vị đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân mà còn ghi một kỷ lục mới về lượng điều nhân xuất khẩu. Cả năm 2019, xuất khẩu điều nhân ước đạt 450 ngàn tấn, tăng 14% so với 2018, đạt kim ngạch 3,6 tỷ USD. Bên cạnh đó, lượng điều thô nhập khẩu cũng đạt gần 1,6 triệu tấn, và xác lập kỷ lục mới về nhập khẩu.
Nhận định trên được đưa ra tại Hội nghị “Tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019 và đề xuất kế hoạch năm 2020” của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) diễn ra mới đây.
Lập kỷ lục mới về xuất nhập khẩu
Theo ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas, năm 2019 về cơ bản ngành điều đã hoàn thành mục tiêu đề ra về xuất khẩu và nhập khẩu. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu cả năm là 3,6 tỷ USD cho tất cả các sản phẩm điều, có thể nói đây là kỷ lục mới của ngành điều.
Đặc biệt, năm nay theo số liệu chính thức, sản lượng điều nhân chế biến sâu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tăng, chiếm 15% tổng sản lượng điều nhân được chế biến của toàn ngành, cùng kỳ năm ngoái con số này chỉ ở mức 7% - 8%. Kết quả, hết năm 2019 dự kiến nhập khẩu điều thô gần 1,6 triệu tấn. Đây là kỷ lục thứ hai của ngành điều trong năm nay.
Theo Vinacas, chỉ tính 11 tháng, xuất khẩu điều nhân các loại đạt 418.110 tấn, với kim ngạch gần 3 tỷ USD, tăng 16,47% về lượng nhưng giảm 8,32% về trị giá so với cùng kỳ 2018. Giá điều nhân xuất khẩu bình quân 7.269 USD/tấn, giảm 20,73% so với cùng kỳ. Khối lượng nhập khẩu điều thô đạt 1.534.825 tấn, tăng 27,54 % so với cùng kỳ.
Cộng dồn năm 2019 toàn ngành đảm bảo hoàn thành và vượt mức kế hoạch đề ra là xuất khẩu 450.000 tấn điều nhân và nhập khẩu trên 1,5 triệu tấn điều thô. Giá nhập khẩu bình quân 1.333 USD/tấn, tăng 27,54% về lượng và giảm 29,78% về giá bình quân so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 11 hàng năm là thời điểm thu hoạch rộ hạt điều của Brazil, Indonesia, Mozambique, Tazania và Kenya với tổng sản lượng đạt khoảng 300 - 400 nghìn tấn, đủ để cung cấp cho thị trường cho đến vụ mùa mới của Việt Nam. Nhu cầu hạt điều thô ở mức thấp do các nhà chế biến tại châu Âu và Hoa Kỳ đang chuẩn bị cho mùa lễ hội, phải một thời gian nữa mới trở lại thị trường.
Hiện nay, rất nhiều công ty chế biến hạt điều Việt Nam đã hết nguyên liệu để sản xuất. Một số công ty đã mua đủ hàng cho sản xuất vụ mới, nhưng cũng có một số công ty đang thiếu lượng nguyên liệu từ 1 - 3 tháng. Vì thiếu nguyên liệu, nên giá hạt điều thô nội địa hiện ở mức cao hơn giá hạt điều nhân ký hợp đồng xuất khẩu. Vì vậy, Vinacas cảnh báo các doanh nghiệp thành viên nên thận trọng khi nhập khẩu điều thô do giá hạt điều thô đang ở mức cao so với giá hạt điều nhân xuất khẩu.
Báo hiệu mùa điều thuận lợi
Năm 2019, đã nhập khẩu gần 1,6 triệu tấn điều thô, cộng với sản lượng trong nước khoảng 400.000 tấn, trong khi sản lượng điều thô toàn cầu khoảng 4 triệu tấn/năm, như vậy, riêng Việt Nam đã sử dụng đến 50% tổng số sản lượng điều thô của thế giới, và lượng nhân điều xuất khẩu của Việt Nam cũng chiếm từ 70 đến 80% trong tổng sản lượng điều nhân cung cấp cho thế giới.
Nếu trong năm 2020, tốc độ tăng trưởng về nhập khẩu nguyên liệu tương đương 2019 là 300.000 tấn, thì lượng điều thô nhập khẩu trong năm 2020 có khả năng lên đến 2 triệu tấn và lượng điều nhân xuất khẩu có thể đạt 500.000 tấn.
Theo ông Tạ Quang Huyên, Phó Chủ tịch Vinacas, trong năm 2019, giá điều thô trên thị trường thế giới giảm sâu so với 2018. Giá nguyên liệu giảm nên giá bán điều nhân giảm theo.
Cụ thể, giá nguyên liệu trong năm 2019 giảm khoảng 30% so với 2018, nhưng giá điều nhân chỉ giảm khoảng 20%, nhờ vậy hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu điều trong năm 2019 đều có lãi. Giá nguyên liệu giảm mạnh kéo giá điều nhân giảm theo, thúc đẩy thị trường xuất khẩu tăng mua, nhờ vậy, năm 2019 khối lượng điều nhân xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng lên gần 10% so với 2018.
“Có thể nói, 2019 là năm sản xuất và tiêu thụ tốt của ngành điều, tất cả các công ty, xí nghiệp trong ngành đều có lãi và đa phần đã phục hồi được đà tăng trưởng, lợi nhuận, doanh thu, doanh số đều tăng, dù vậy, vẫn còn một số doanh nghiệp khó khăn vì năm 2018 họ bị lỗ nặng. Nhìn chung, sản xuất, chế biến điều năm nay tốt hơn nhiều so với 2018”, ông Huyên chia sẻ.
Ngành điều phụ thuộc nhiều vào yếu tố mùa vụ và tình hình cung cầu trên thị trường thế giới. Vụ điều năm 2020 trên thế giới phải đến tháng 2 mới thu hoạch, và kéo dài đến hết tháng 5, nên bây giờ chưa thể dự báo tình hình thị trường năm 2020, vì diễn biến của thị trường hoàn toàn phụ thuộc vào cung - cầu, mà cung cầu của ngành điều thì mang tính thời vụ rất cao.
“Vụ điều 2020 của Việt Nam dự kiến sẽ thu hoạch vào cuối tháng 1 đầu tháng 2, đến tháng 5 kết thúc. Năm nay thời tiết diễn biến tốt, thuận lợi cho cây điều ra hoa kết trái, dự báo vụ điều năm nay có thể cho sản lượng cao, chỉ trừ trường hợp bất thường mưa trái mùa xảy ra trong tháng 1/2020 sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây điều”, ông Huyên nhấn mạnh.
Quang Trí