Năm 2020 tiếp tục mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt

Năm 2020 tiếp tục mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt
Trong số 418 khoản nợ mua lại trong năm 2019, có đến 381 khoản nợ được Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB). Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2020, VAMC tiếp tục mua nợ xấu bằng TPĐB, hoàn thành mục tiêu về cơ bản xử lý xong nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã bán cho VAMC…

Lợi nhuận nhiều ngân hàng đã tăng


12/40 tổ chức tín dụng “sạch” nợ tại VAMC

Báo cáo của VAMC cho biết, trong năm 2019 đơn vị này đã triển khai mua nợ xấu bằng TPĐB của 381 khoản nợ đạt 20.544 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, giá mua nợ là 19.846 tỷ đồng, đạt kế hoạch được NHNN giao. Mua nợ xấu theo giá trị thị trường của 37 khoản nợ đạt 2.247 tỷ đồng, giúp xử lý hơn 2.131 tỷ đồng dư nợ gốc cho các TCTD, đạt 112% chỉ tiêu được NHNN phê duyệt và điều chỉnh; xử lý tài sản bảo đảm ước đạt 5.757 tỷ đồng, bán nợ đạt 6.332 tỷ đồng; đôn đốc thu hồi nợ ước đạt 20.391 tỷ đồng. 

Từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC trong 3 năm 2017, 2018 và 2019 đạt 90.556 tỷ đồng, bằng 60% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến nay. 

VAMC cũng đã chủ động phối hợp với TCTD tích cực triển khai có hiệu quả các biện pháp quy định tại Nghị quyết 42 như thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm của 03 khoản nợ xấu với giá trị tài sản bảo đảm thu giữ đạt 4.303 tỷ đồng.

Lũy kế từ khi thành lập đến ngày 31/12/2019, VAMC đã phối hợp cùng các TCTD thu nợ 151.860 tỷ đồng, đến cuối 31/12/2019, trong tổng số 40 TCTD bán nợ cho VAMC thì đã có 12 TCTD thực hiện quyết toán nợ cho VAMC. Riêng trong năm 2019 có 7 TCTD lớn đã hoàn thành nợ cho VAMC như Agribank, Kiên Long Bank, SeABank… 

Nhiệm vụ còn nặng nề…

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh trong phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác năm 2020 của VAMC đã nhấn mạnh, nhiệm vụ của VAMC trong năm 2020 khá nặng nề bởi đây là năm bản lề cho việc hoàn thành mục tiêu về cơ bản xử lý xong nợ xấu của các TCTD đã bán cho VAMC, đồng thời tiếp tục thực hiện mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các TCTD theo Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ và xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD theo Nghị quyết 42 của Quốc hội… 

Với 12/40 TCTD đã xử lý xong nợ đã bán cho VAMC, trong năm 2020, số TCTD phải hoàn thành nhiệm vụ này sẽ gấp gần 2,5 lần và đây đều là những TCTD có khối lượng nợ xấu lớn, nhiều TCTD đang thực hiện tái cơ cấu như Sacombank, SCB, BIDV, VietinBank… 

Chính vì vậy, lãnh đạo NHNN đề nghị VAMC tiếp tục tăng cường phối hợp với TCTD để rà soát, phân loại, đánh giá lại các khách hàng vay, tài sản bảo đảm và các khoản nợ đã mua để xác định các biện pháp xử lý, thực hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ đã bán cho VAMC; đồng thời, tìm kiếm, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia mua, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.

Đặc biệt NHNN chỉ đạo VAMC tiếp tục mua nợ xấu bằng TPĐB theo quy định tại Nghị định 53/2013/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung liên quan, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN; Đồng thời chủ động, tập trung mua, bán nợ xấu theo giá trị thị trường theo Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC giai đoạn 2017 - 2020 và hướng tới năm 2022 đã được NHNN phê duyệt, bảo đảm khách quan, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật và đảm bảo an toàn vốn, tài sản của Nhà nước.

NHNN cũng lưu ý VAMC sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hiện có, tập trung cho mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường; có giải pháp nâng cao năng lực tài chính, bằng các hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật và Đề án đã được NHNN phê duyệt… 

Sẽ khó hơn với các TCTD chưa “sạch” nợ tại VAMC

Đứng trước nguy cơ nhiều TCTD không thể hoàn thành tất toán khoản nợ xấu đã bán cho VAMC trong năm 2019 theo lộ trình, NHNN đã ban hành Thông tư 08/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC đã ban hành vào năm 2016, cho phép các TCTD có thể gia hạn thời hạn của TPĐB tối đa lên đến 10 năm.

Tuy nhiên, quy định mới này chỉ áp dụng cho TCTD đang thực hiện phương án cơ cấu lại theo đề án đã được phê duyệt hoặc TCTD gặp khó khăn về tài chính mà việc trích lập dự phòng rủi ro cho TPĐB do VAMC phát hành có thể dẫn đến lỗ trong năm tài chính. 

Đối với TCTD chưa tất toán với VAMC theo đúng quy định sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro 20% cho trái phiếu VAMC, đồng nghĩa với việc lợi nhuận của ngân hàng sẽ bị sụt giảm hàng năm. Mặt khác, NHNN đang dự thảo quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC thay thế cho Thông tư 19/2013/TT-NHNN, quy định các TCTD có nợ bán cho VAMC sẽ không được chia cổ tức bằng tiền mặt cho đến khi TPĐB được thanh toán. Quy định này dự kiến sẽ có hiệu lực trong năm 2020.

Thanh Thanh

Tags: Trái Phiếu Vamc Cổ Phiếu Chứng Khoán Ngân Hàng Nhà Nước