Năm 2020 xuất khẩu gỗ đạt từ 12,5 tỷ USD

Năm 2020 xuất khẩu gỗ đạt từ 12,5 tỷ USD
Năm 2020, toàn ngành lâm nghiệp đặt chỉ tiêu, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42%; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp khoảng 5-5,5%; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt từ 12,5 tỷ USD.

Quang cảnh hội nghị

Theo thông tin Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) được công bố tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành lâm nghiệp năm 2020 sáng nay 2/1, tại Hà Nội: Năm 2019, xuất khẩu lâm sản đạt 11,2 tỷ USD, tăng 19,2% so với năm 2018, vượt 6,6% so với kế hoạch (10,5 tỷ USD).

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho hay: Lâm sản Việt Nam được xuất khẩu sang trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các thị trường xuất khẩu lâm sản chính gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu ước đạt 9,71 tỷ USD, chiếm 86,5% tổng giá trị xuất khẩu lâm sản. Việt Nam đứng thứ 5 thế giới, đứng thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu lâm sản.

Tuy nhiên hiện, xuất khẩu lâm sản của Việt Nam dựa phần lớn vào thị trường Mỹ và Trung Quốc (xuất khẩu vào Mỹ chiếm 50,8% giá trị xuất khẩu lâm sản của cả nước, Trung Quốc chiếm 10,5%).

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, chưa có dấu hiệu dừng lại sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường đối với xuất khẩu lâm sản Việt Nam.

"Bên cạnh đó, đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại một số địa phương còn chưa được quan tâm bố trí đủ vốn. Nhiều địa phương chưa tích cực chỉ đạo trồng thâm canh và chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn", ông Điển nói.

Năm 2020, toàn ngành đặt chỉ tiêu, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42%; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5-5,5%; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt từ 12,5 tỷ USD...

Nhìn nhận về phát triển ngành lâm nghiệp trong thời gian tới, ông Võ Đại Hải, Viện trưởng Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp cần có ý kiến để sản phẩm gỗ được xếp vào danh sách là sản phẩm chủ lực quốc gia. Làm được như vậy, đầu tư của Nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp sẽ tốt hơn.

Những năm gần đây, ngành gỗ liên tục duy trì đà tăng trưởng trung bình khoảng 15%/năm. Ảnh: Nguyễn Thanh

"Ngoài ra, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, thủy sản đã hết hiệu lực vào năm 2020. Tôi rất muốn chúng ta cũng có hỗ trợ thúc đẩy thêm để làm sao ra được một quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ sẽ hỗ trợ thêm cho công tác về phát triển giống", ông Hải nói.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn yêu cầu, toàn ngành lâm nghiệp tập trung rà soát các chỉ tiêu về rừng để thực hiện quyết liệt đề án tái cơ cấu với mục tiêu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định không chỉ trong năm 2020 mà còn những năm tiếp theo.

"Cần tập trung giải quyết thị trường gắn với việc quản lý sản xuất theo chuỗi, nâng cao chất lượng giống thâm canh để chuyển gỗ rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn phục vụ chế biến trong nước cũng như xuất khẩu", Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn cần quan tâm đến các cơ chế chính sách phát triển lâm sản ngoài gỗ, dịch vụ môi trường rừng, chi trả và hoàn thiện những cơ chế chính sách về hạ tầng để tạo môi trường thuận lợi, không chỉ là cải cách hành chính mà kể cả điều kiện về cơ sở hạ tầng để người dân, doanh nghiệp kinh doanh phát triển...

Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2019 ước đạt 2,528 tỷ USD, tăng khoảng 9,3% so với năm 2018. Thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam hiện nay đến từ trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, 5 thị trường chính là: Trung Quốc, Hòa Kỳ, Cameroon, Thái Lan, Chi Lê ước đạt 1,36 tỷ USD, chiếm khoảng 54% tổng giá trị gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu.

Thanh Nguyễn

Tags: Xuất Khẩu Gỗ Việt Nam Xuất Khẩu Lâm Sản Việt Nam Ngành Gỗ Gỗ Tổng Cục Lâm Nghiệp