NCIF: GDP năm 2020 có thể tăng 7,01%

NCIF: GDP năm 2020 có thể tăng 7,01%
Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (NCIF) dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 ở kịch bản cơ sở là 7,01%, còn ở kịch bản thấp mức tăng GDP là 6,76%.

Dự báo trên đã được Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (NCIF) đưa ra tại tọa đàm khoa học: “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2020” diễn ra mới đây.

Theo Giám đốc NCIF Lưu Quang Khánh, năm 2019, với nhiều giải pháp điều hành tích cực của Chính phủ và hiệu quả đã mang lại kết quả tích cực cho nền kinh tế, đáng chú ý là việc tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao (7,02%) trong điều kiện nền kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định (CPI trung bình năm đạt 2,8%), thặng dư thương mại kỷ lục (gần 10 tỷ USD), dự trữ ngoại hối tăng cao (gần 80 tỷ USD).

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn còn những khó khăn. Ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh kéo dài trong năm 2019 làm ảnh hưởng đến phát triển khu vực nông nghiệp, không những làm giá trị gia tăng nhóm ngành này giảm so với năm trước, mà còn gây sức ép làm tăng giá và gây bất ổn thị trường trong những tháng cuối năm 2019. Giải ngân vốn đầu tư công vẫn gặp khó khăn. Nguy cơ lạm phát vẫn còn thường trực do tác động của việc thực hiện lộ trình tăng giá trong nước một số mặt hàng thiết yếu như điện, dịch vụ giáo dục, y tế và tình hình giá cả leo thang do thiếu nguồn cung thực phẩm do dịch bệnh kéo dài. 

NCIF dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 ở kịch bản cơ sở là 7,01%. Ảnh minh họa

TS. Đặng Đức Anh – Phó Giám đốc NCIF dự báo năm 2020, kinh tế toàn cầu sẽ được cải thiện hơn năm 2019 nhờ tăng trưởng toàn cầu tăng nhẹ do khả năng nới lỏng hơn không gian chính sách tiền tệ; hiệu ứng tích cực từ các hiệp định thương mại thế hệ mới và việc giá cả hàng hóa cơ bản tiếp tục duy trì.

Tuy nhiên, tăng trưởng các nền kinh tế lớn, đặc biệt là các đối tác đầu tư, thương mại chính của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn chưa thực sự hồi phục. Xung đột thương mại Mỹ-Trung diễn biến còn phức tạp. Rủi ro tài chính do thay đổi các quyết sách của các ngân hàng trung ương các nước lớn, biến động của giá dầu (đặc biệt là giá dầu trong bối cảnh căng thẳng chính trị Mỹ -Iran), đều là những nhân tố tiềm ẩn rủi ro với kinh tế Việt Nam trong năm 2020.

Theo đó, trong năm 2020, chính sách điều hành sẽ được thực hiện quyết liệt hơn nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng cao của kinh tế, hoàn thành mục tiêu Kế hoạch 5 năm 2016-2020, tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới nhằm đảm bảo phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn.

Như vậy, nếu trong bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục nhẹ so với năm 2019 và không có biến động địa chính trị lớn tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng; Nền kinh tế trong nước tiếp tục được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại và thu hút nhiều hơn vốn đầu tư; Chính phủ kiểm soát tốt vấn đề tỷ giá, lãi suất và điều hành linh hoạt theo đúng mục tiêu những chính sách tài chính – tiền tệ khác, khi đó tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 có khả năng sẽ được duy trì (khoảng 7%), trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định (CPI trung bình năm khoảng 3,5%).

TS Đặng Đức Anh đưa ra mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 ở kịch bản cơ sở là 7,01%, còn ở kịch bản thấp mức tăng GDP là 6,76%.

Cũng tại tọa đàm, TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo Kinh tế Ngành và Doanh nghiệp cũng có những nhận định, đánh giá sau một năm thực hiện CPTPP và triển vọng kinh tế thế giới năm 2020. CPTPP chiếm tỷ trọng vừa phải trong cơ cấu xuất khẩu. Tác động của CPTPP giúp GDP đạt thêm 1,7 tỷ USD (so với 2,7 tỷ USD trong TPP) trong đó xuất khẩu tăng thêm 4,09 tỷ USD và nhập khẩu tăng thêm 4,93 tỷ USD.

Qua những phân tích chi tiết về chiến tranh thương mại Mỹ -Trung Quốc; Căng thẳng, bất ổn tại Trung Đông và sự kiện Brexit: Anh ra khỏi EU vào 30/01/2020, TS Trần Toàn Thắng đã đưa ra những mục tiêu cụ thể và những công việc cần làm trong thời gian tới là tiếp tục nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy gia tăng các động lực tăng trưởng mới. Cùng với đó, tận dụng hiệu quả các cơ hội từ hội nhập quốc tế, từ xu thế phát triển khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Giảm thiểu rủi ro tối đa qua việc xác định các đối tượng bị ảnh hưởng tiêu cực (SMEs, nhóm vùng tối thiểu...).

Mạnh Nguyễn
 

Tags: Gdp Ncif Tăng Trưởng Gdp Cptpp Căng Thẳng Chính Trị Mỹ -Iran