Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đang quản lý 297 nhà ga với tổng diện tích 9,4 triệu m2, có hơn 10 khu ga nằm trên vị trí đất vàng ở các thành phố, đô thị lớn. Mặc dù Nhà nước không đủ kinh phí để bảo trì, cải tạo các nhà ga, nhưng chính các nhà ga nằm ở các khu “đất vàng” lại đang không phát huy được lợi thế thương mại, để lãng phí hàng nghìn tỷ mỗi năm.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch ĐSVN - cho biết: “Chúng tôi không được trực tiếp đầu tư, khai thác thương mại các khu ga trên đất vàng. Cơ chế rõ ràng bất cập, thậm chí gây lãng phí lớn tài sản Nhà nước vì không thể khai thác, kinh doanh được nguồn lực tài sản, đất đai tại 297 khu ga này”.
Mới đây, ĐSVN đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao phần tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia (KCHTĐS) do Nhà nước đầu tư gồm toàn bộ 297 nhà ga, kho hàng, bãi hàng, nhà cung cầu, cung đường… cho ĐSVN đầu tư theo hình thức hợp tác đầu tư hoặc vay vốn để kinh doanh, không chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay chuyển đổi chủ sở hữu cho cho bất kỳ nhà đầu tư nào.
Theo Chủ tịch ĐSVN, khi được đầu tư, các tài sản này do Tổng công ty đứng tên sở hữu và có thể chủ động đầu tư hoặc hợp tác đầu tư để xây mới, nâng cấp nhà ga thành các khu trung tâm phức hợp hiện đại. Ngoài công năng chính là phục vụ vận tải như: Phòng đợi, bãi hàng, kho... thì sẽ có các chức năng khai thác thương mại để nâng cao giá trị gia tăng như kinh doanh như siêu thị, cho thuê văn phòng…
Đưa ra tính toán về hiệu quả kinh doanh thương mại, ông Vũ Anh Minh cho biết: Ga Hà Nội có diện tích 20ha, ga Sài Gòn có diện tích 19,3 ha, nếu đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, cho thuê văn phòng trên diện tích 40ha tại hai nhà ga này thì sẽ nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống đô thị khu vực ga cũng phát triển hơn, vì vậy “dư sức” để thu về hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra còn có nhiều khu ga, nhà ga ở trung tâm các thành phố lớn cũng rất tiềm năng để khai thác thương mại.
“Nếu đầu tư tại ga Hà Nội và được phép cho thuê hạ tầng, mỗi năm sẽ thu được khoảng 1.000 tỷ đồng, thành phố được hưởng khoảng 100 tỷ tiền thuế giá trị gia tăng, Nhà nước thu ngân sách được 200 tỷ tiền cho thuê hạ tầng (thuê đất 20%), còn lại doanh nghiệp có 700 tỷ để tái đầu tư” - ông Minh dẫn giải.
Chủ tịch ĐSVN thông tin, hiện 5 nhà ga có lợi thế thương mại tại các thành phố, đô thị lớn là Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng. “Nếu được Thủ tướng chấp thuận, ĐSVN sẽ đầu tư và khai thác tại ga Sài Gòn đầu tiên, đây là nhà ga hội tụ đầy đủ yếu tố thuận lợi về mặt quy hoạch của thành phố nên khả năng khai thác thương mại và đầu tư, kinh doanh chắc chắn mang lại hiệu quả” - ông Minh nói.
Trong bối cảnh vốn ngân sách hạn hẹp nên nhiều năm qua đầu tư cho đường sắt rất ít. Từ năm 2011 đến 2019, kinh phí nâng cấp, cải tạo tài sản KCHTĐS bình quân chỉ khoảng 1.022 tỷ đồng/năm, chỉ chiếm 2,34% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển cho ngành giao thông vận tải.
“Bình quân hàng năm duyệt chi cho bảo trì nhà ga chỉ khoảng 50 tỷ đồng, năm 2018 chỉ được cấp 37 tỷ đồng Số kinh phí này chia đều cho 297 nhà ga thì quét vôi ve cũng không đủ” - ông Minh Nói và cho rằng nếu không khai thác được tiềm năng thương mại tại các nhà ga trên đất vàng thì sẽ rất lãng phí.
Châu Như Quỳnh