Nga 'chắc chân' ở Trung Đông giữa khủng hoảng

Nga 'chắc chân' ở Trung Đông giữa khủng hoảng
Giữa lúc tình hình Trung Đông leo thang vì cuộc đối đầu căng thẳng giữa Mỹ và Iran, Tổng thống Nga Vladimir Putin ung dung tới Syria.

Chuyến thăm Damascus hôm 7/1 là lần thứ hai Tổng thống Putin đến Syria kể từ khi nước này rơi vào cuộc nội chiến kéo dài gần 9 năm qua. Chỉ vài giờ sau khi ông chủ Điện Kremlin tới nơi, Iran phóng hàng chục tên lửa vào hai căn cứ lính Mỹ đồn trú tại Iraq để trả thù cho tướng Qassem Soleimani, người thiệt mạng trong vụ không kích của Mỹ bên ngoài sân bay Baghdad hôm 3/1.

Tuy nhiên, trong chuyến công du, Putin không đề cập tới các sự việc trên mà tập trung vào chương trình nghị sự của Moskva tại khu vực. Từ sân bay Damascus, ông đến một sở chỉ huy của lực lượng Nga để gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Khi trò chuyện với người đồng cấp, Putin cho biết rất nhiều việc đã được thực hiện nhằm khôi phục tình trạng toàn vẹn lãnh thổ của Syria, đồng thời lưu ý tình hình Trung Đông "đang leo thang".

"Đây là tín hiệu rõ ràng với các đồng minh cũng như đối thủ của Nga rằng dù tình hình bất ổn và ẩn chứa nhiều rủi ro, sự hiện diện của Moskva tại Trung Đông vẫn sẽ không thay đổi, khác với thế lung lay của Washington", Andrey Kortunov, giám đốc Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga, nhận định. "Trái ngược với sự khó đoán của Tổng thống Donald Trump, tính kiên định của Nga trở thành lợi thế".

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) gặp người đồng cấp Syria Bashar al-Assad tại Damacus hôm 7/1. Ảnh: AFP.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) gặp người đồng cấp Syria Bashar al-Assad tại Damacus hôm 7/1. Ảnh: AFP.

Theo bình luận viên Robyn Dixon của Washington Post, các mục tiêu chiến lược của Putin bao gồm tái thiết quyền lực của Moskva, tạo ra liên minh toàn cầu chống lại sức ảnh hưởng từ Mỹ, đồng thời mang lại chỗ đứng cho Nga như một bên không ai có thể chối bỏ tại những khu vực quan trọng như Trung Đông. Căng thẳng giữa Mỹ và Iran được cho là đang giúp Nga đạt được những mục tiêu này. 

Trong khi Trump nói các nước "vô cùng hài lòng" với vụ tấn công hạ sát Soleimani, Moskva dường như không nằm trong số đó khi chỉ trích gay gắt động thái này. Bộ Quốc Phòng Nga gọi đây là bước đi "thiển cận", sẽ dẫn tới "leo thang căng thẳng mạnh mẽ", đồng thời ca ngợi Soleimani là "tư lệnh tài ba và có sức ảnh hưởng đáng kể trên khắp Trung Đông".

Bình luận viên Maggie Tennis và Strobe Talbott của tạp chí Slate cho rằng cái chết của Soleimani giúp Nga lan truyền thông điệp Mỹ là nước thất thường và hiếu chiến, từ đó thúc đẩy mục tiêu chia rẽ Washington và các đối tác. 

Thành công của Nga trong việc làm suy yếu quan hệ giữa Mỹ với đồng minh Trung Đông thể hiện qua cú bắt tay Nga - Thổ Nhĩ Kỳ. Dù từng ở hai bên chiến tuyến trong xung đột tại Syria, Moskva và Ankara giờ đây cùng tuần tra ở phía bắc đất nước sau thỏa thuận hôm 22/10 về "vùng đệm an toàn".

Sau cuộc tấn công Soleimani, Ankara cũng tuyên bố "phản đối can thiệp từ nước ngoài, ám sát và xung đột bè phái trong khu vực". Kết thúc chuyến thăm Syria hôm 7/1, Tổng thống Putin đã đến Thổ Nhĩ Kỳ để gặp người đồng cấp Recep Tayyip Erdogan.

Nga còn có thể hưởng lợi nếu vụ không kích tướng Iran tạo ra sự mất đoàn kết hơn nữa giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu, bởi nhiều quyết định của Mỹ ở Trung Đông đã khiến họ thất vọng, đặc biệt là việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran với 6 cường quốc. Các nguồn tin cho hay chính quyền Trump thậm chí không cảnh báo cho Anh và những đồng minh khác trước vụ không kích.

Nếu phớt lờ lời kêu gọi xuống thang căng thẳng ngay lập tức của các đồng minh, Washington có thể bị cô lập hơn nữa trên trường quốc tế. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel dự kiến gặp Tổng thống Putin tại Moskva vào ngày 11/1 để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Trung Đông.

Tại cuộc gặp Tổng thống Trump ở Nhà Trắng hôm 7/1, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết Mỹ luôn có thể tin tưởng đất nước của ông là "một đồng minh ổn định và đáng tin cậy". Tuy nhiên, tâm trí của Trump hôm đó vẫn bị bao trùm bởi căng thẳng với Iran.

Washington dường như cũng không còn tập trung nhiều vào phần còn lại của thế giới. Cuộc họp báo hôm 7/1 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được cho là lần hiếm hoi gần đây Washington bày tỏ quan tâm tới cháy rừng ở Australia, vai trò của Iran ở Afghanistan, biểu tình ở Hong Kong hay biến động chính trị tại Venezuela.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran còn có thể giúp gia tăng sức mạnh cũng như uy tín của Nga tại Trung Đông. Quan hệ Mỹ - Iran xấu đi từ lúc cuộc xung đột ở Syria bắt đầu và lạnh nhạt hơn sau khi Trump hồi tháng 5/2018 rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Cùng lúc đó, Nga và Iran trở nên gần gũi hơn thông qua hợp tác quân sự tại Syria. 

Việc Nga can thiệp quân sự vào Syria hồi năm 2015 không chỉ là chìa khóa cứu vãn chính quyền Assad, mà còn đánh dấu sự xuất hiện của một bên trung gian quyền lực mới trong khu vực vốn đầy biến động và tranh chấp. Nga đã giúp chính quyền Assad duy trì kiểm soát tình hình Syria trước sức ép từ Mỹ và các đồng minh. 

Khi Putin đồng ý hỗ trợ Assad chống IS và lực lượng phiến quân chống chính phủ, nhiều người cảnh báo Nga có thể bị sa lầy trong một cuộc chiến tốn kém và dai dẳng, đồng thời có nguy cơ trở thành mục tiêu của các phần tử cực đoan. Theo bình luận viên Dixon, người đã thuyết phục Moskva rằng họ vẫn có cơ hội chiến thắng nếu bắt tay với Assad chính là Soleimani.

Một quan chức cấp cao giấu tên tại Trung Đông tiết lộ tướng Iran từng đến Moskva hồi tháng 7/2015 để cung cấp những phương án giúp bảo vệ chính quyền Assad. Tới tháng 4/2016, nguồn tin cho hay Soleimani đã gặp Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ở Moskva để thảo luận về việc chuyển tên lửa Nga đến Syria. Tuy nhiên, giới chức Nga chưa từng xác nhận thông tin.

Trong khi đó, chính sách đối ngoại của Mỹ tại Trung Đông gần đây bị đánh giá thiếu hợp lý, như quyết định rút quân khỏi miền bắc Syria mở đường cho chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, động thái được cho là "cú đâm sau lưng" đồng minh người Kurd giúp họ chống IS. Động thái này tạo ra khoảng trống quyền lực trong khu vực mà Nga đã nhanh chóng lấp đầy và củng cố vị thế tại khu vực.

Chỗ đứng của Nga ở Trung Đông thậm chí có khả năng vững chắc hơn nữa, khi chính phủ Iraq coi vụ Mỹ không kích Soleimani là hành vi "xâm phạm chủ quyền", đồng thời kêu gọi nước ngoài rút quân. Nếu không có binh sĩ tại Iraq, Mỹ cũng khó duy trì hiện diện ở Syria, từ đó giúp Nga hoạt động linh hoạt hơn và nâng cao danh tiếng như một bên trung gian uy tín.

Ảnh hưởng của Nga tại Iraq bị hạn chế kể từ khi Mỹ triển khai chiến dịch quân sự ở nước này hồi năm 2003. Nếu Mỹ rời Iraq, không chỉ Iran "mỉm cười" vì đạt được mục tiêu họ theo đuổi suốt nhiều năm, mà Nga cũng có thể khai thác lợi ích từ khoảng trống này. Tuy nhiên, bất chấp sự can thiệp được cho là thành công ở Syria, Nga tỏ ra khá cảnh giác tại Iraq, dù quan hệ giữa hai nước vốn đang trên đà đi lên, với nhiều cuộc gặp gỡ ngoại giao và các hợp đồng vũ khí, năng lượng. Các tập đoàn năng lượng lớn của Nga như  Lukoil, Gazprom và Rosneft đều hoạt động ở Iraq.

Eugene Rumer, cựu sĩ quan tình báo Mỹ, cho rằng Nga ít có khả năng can thiệp quân sự vào Iraq ngay cả khi lực lượng Mỹ rời khỏi đây. "Tôi nghĩ họ sẽ khai thác lợi ích trên phương diện ngoại giao, như gửi cố vấn quân sự, bán thêm vũ khí cho Iraq hoặc ký một số hợp đồng thương mại", Rumer nhận định.

"Trong trường hợp Mỹ buộc phải rút quân, khoảng trống quyền lực được tạo ra sẽ mang lại lợi ích nhiều nhất cho Nga và Iran", Michael Carpenter, cựu quan chức Lầu Năm Góc, bổ sung thêm.

"Một kết quả chắc chắn từ vụ không kích Soleimani là kỷ nguyên hợp tác giữa Mỹ và Iraq đã chấm dứt", Richard Haass, chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, viết trên Twitter, nói thêm rằng những lời đe dọa "thực sự phản tác dụng" của Trump với Iraq càng làm tăng khả năng lực lượng Mỹ phải ra đi.

Nga được cho là không chỉ theo dõi ảnh hưởng về mặt quân sự và ngoại giao sau vụ không kích Soleimani, mà còn quan tâm tới giá dầu bởi họ là nước xuất khẩu dầu lớn, doanh thu ngân sách liên bang phụ thuộc nhiều vào dầu khí. Theo Financial Times, giá dầu thô Brent hôm 3/1 tăng 3,5% lên mức hơn 68 USD/thùng sau vụ tấn công.

Nếu xảy ra cuộc khủng hoảng trong khu vực, Nga sẽ được hưởng lợi từ việc giá dầu toàn cầu tăng. Tuy nhiên, Anatol Lieven, chuyên gia tại Đại học Georgetown cơ sở ở Qatar, cho rằng Moskva có lẽ không muốn giá dầu duy trì ở mức cao quá lâu.

"Giả sử Iran tiếp tục tấn công, các nhà máy lọc dầu, bến cảng và tàu chở dầu của Arab Saudi chắc chắn sẽ trở thành mục tiêu. Câu hỏi đặt ra là Iran liệu có khả năng gây thiệt hại lớn đến mức giá dầu tăng vọt và duy trì ở mức cao trong thời gian dài, tạo ra suy thoái toàn cầu hay không", Lieven nói.

Chuyên gia giải thích rằng giá dầu cao chỉ có lợi cho Nga trong ngắn hạn, bởi nếu tình trạng này duy trì lâu, suy thoái toàn cầu sẽ kéo giá xuống thấp trở lại vô cùng mạnh mẽ. Thêm vào đó, giá dầu bất ổn sẽ khiến châu Âu và Trung Quốc thêm nỗ lực giảm phụ thuộc vào loại nhiên liệu này, từ đó gây bất lợi cho Nga.

Tuy nhiên, căng thẳng Mỹ - Iran vẫn tiềm ẩn một số bất lợi cho Nga tại Trung Đông. Xung đột giữa các lực lượng ủy nhiệm có thể gây áp lực cho quân đội Nga ở Syria, đặc biệt nếu Israel leo thang tấn công chống lại các nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn như Hezbollah.

Thêm vào đó, bất cứ động thái nào nhằm thúc đẩy chương trình hạt nhân của Iran đều chắc chắn gây bất ổn cho khu vực, làm phức tạp hóa việc kiểm soát tình hình Syria của Nga. Nếu Moskva hợp tác quá chặt chẽ với Tehran, bản thân họ cũng sẽ bị các đối tác Trung Đông chỉ trích.  

Ánh Ngọc (Theo SCMP, Washington Post, Slate)

Tags: Mỹ Hạ Sát Tướng Iran Lợi Thế Của Nga Sau Vụ Mỹ Hạ Sát Tướng Iran Qassem Soleimani Căng Thẳng Trung Đông Ảnh Hưởng Của Nga Ở Trung Đông