Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bắt tay nhau trong lễ khánh thành hệ thống đường ống dẫn khí đốt tới nam châu Âu. (Nguồn: Reuters)
Ngày 8/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã chính thức khánh thành dự án đường ống dẫn khí đốt từ Nga, qua Thổ Nhĩ Kỳ, tới miền Nam châu Âu, có tên gọi là TurkStream.
Dự án là một phần trong những nỗ lực của Nga nhằm giảm phụ thuộc vào tuyến trung chuyển khí đốt tới châu Âu qua Ukraine trong bối cảnh quan hệ song phương căng thẳng.
Hai ông Putin và Erdogan, cùng các lãnh đạo Serbia và Bulgaria, đã tham dự lễ khánh thành dự án tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Putin nhấn mạnh hệ thống đường ống dẫn này tượng trưng cho sự "tương tác và hợp tác" vì lợi ích của người dân hai nước và người dân toàn châu Âu cũng như thế giới.
Trước đó, hôm 5/1, công ty khí đốt Bulgartransgaz cho biết Nga đã bắt đầu vận chuyển khí đốt thông qua hệ thống đường ống dẫn này.
Nga xây dựng hệ thống TurkStream gồm hai đường ống dẫn chính với công suất mỗi năm đạt khoảng 15,75 tỷ m3. Đường ống dẫn đầu tiên cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ trong khi đường ống dẫn thứ hai sẽ kéo từ Bulgaria tới Serbia và Hungary.
Bên cạnh dự án hệ thống đường ống dẫn khí đốt kéo dài 930km qua biển Đen này, Nga cũng đã nâng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt qua biển Baltic tới Đức thông qua dự án Dòng chảy phương Bắc, để giảm phụ thuộc vào tuyến trung chuyển chính hiện nay qua Ukraine.
Quan hệ Moskva và Kiev xấu đi nhiều kể từ năm 2014 khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và nổ ra cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Ukraine đã dừng hoạt động nhập khẩu trực tiếp khí đốt từ Nga kể từ tháng 11/2015.
Dù hồi cuối năm 2019, Nga và Ukraine đã ký kết thỏa thuận 5 năm về trung chuyển khí đốt tới châu Âu nhưng công suất dự kiến sẽ từ giảm từ 65 tỷ m3 năm 2020, xuống mức 40 tỷ m3/năm từ 2021-2024.
Dự án Turkstream cũng đồng thời tăng cường quan hệ trong lĩnh vực năng lượng giữa Moskva và Ankara trong bối cảnh hai bên củng cố quan hệ hợp tác quốc phòng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga hồi năm ngoái.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳcũng đang hợp tác triển khai quân sự tại vùng Đông Bắc Syria dù hai bên ủng hộ những bên đối lập./.
Lê Ánh