Suốt chặng từ cuối 2019 đến đầu 2020 toàn hệ thống không cần vay hỗ trợ thanh khoản 1 đồng nào từ nhà điều hành ở kênh OMO (trong ảnh: trụ sở Ngân hàng Nhà nước tại Hà Nội).
Trong tuần đầu tiên của năm 2020, cũng như gần đến mùa cao điểm thanh toán chi trả dịp Tết Nguyên đán, thị trường ghi nhận Ngân hàng Nhà nước đã sớm có tín hiệu trong hoạt động điều tiết thanh khoản hệ thống.
Đến thời điểm này, đã ba tuần nối dài quãng các tổ chức tín dụng không cần vay nguồn hỗ trợ ngắn hạn từ nhà điều hành qua kênh cầm cố trên thị trường mở (OMO), nên tín hiệu đó chủ yếu mang tính tham khảo.
Và cũng đã một thời gian khá dài Ngân hàng Nhà nước không còn phát hành tín phiếu để hút bớt tiền về.
Theo đó, với số dư bằng 0 ở cả hai kênh gửi - vay nói trên, cân đối nguồn và thanh khoản hệ thống tự chủ động cân bằng hoàn toàn mà không cần sự can thiệp trực tiếp từ nhà điều hành. Đây cũng là trạng thái tự chủ động và cân bằng ít thấy nhiều năm qua, ngoại trừ thuận lợi tương tự cuối 2017 đầu 2018.
Dù vậy, như trên, Ngân hàng Nhà nước vẫn bật tín hiệu sẵn sàng hỗ trợ. Một là vẫn đều đặn chào thầu 3.000 tỷ đồng hàng ngày trên OMO để tiếp nguồn. Hai là, đáng chú ý hơn, kỳ hạn hỗ trợ nguồn được nối dài từ 7 ngày lên 14 ngày rồi tuần qua xuất hiện tín hiệu nới hẳn lên 28 ngày.
Dù không có phát sinh vay mượn và hỗ trợ, nhưng việc nới hẳn kỳ hạn từ 7 ngày lên 28 ngày có hàm ý của nhà điều hành về việc chuẩn bị nguồn vắt qua kỳ nghỉ Tết sắp tới, giãn áp lực đáo hạn trong trường hợp thanh khoản cần tiếp nguồn khi mùa cao điểm thanh toán, chi trả đến gần.
Với các tổ chức tín dụng, thời gian cũng là tiền. Việc kỳ hạn Ngân hàng Nhà nước chào tiếp nguồn nói trên từ 7 lên 28 ngày những lãi suất OMO vẫn không đổi (4%/năm) cũng là lợi ích rõ rệt. Như so sánh với kênh tiền gửi dân cư và tổ chức thông thường, kỳ hạn chỉ cần nhích từ 7 ngày lên 14 ngày hoặc lên 1 tháng là lãi suất đã phải trả cao hơn.
Mùa cao điểm năm nay, như BizLIVE phản ánh vừa qua, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã bước qua năm 2019 và hướng đến mùa cao điểm mà không cần phải vay mượn Ngân hàng Nhà nước 1 đồng vốn nào để cân đối thanh khoản.
Thậm chí, nguồn vốn cho hệ thống trở nên dồi dào và lãi suất VND liên tục giảm mạnh và xuống mức rất thấp trên thị trường liên ngân hàng.
Từng vọt lên tới khoảng 5%/năm cuối tháng 11/2019, hay trước đó có vùng quanh 3%/năm, thì đến tuần qua lãi suất VND qua đêm chính thức đánh dấu xuyên thủng mốc 1%/năm, mức bình quân như phiên ngày 09/01/2020 chỉ còn 0,93%/năm.
Liên quan, năm 2019 Ngân hàng Nhà nước đã có kỷ lục mua vào ngoại tệ, lượng VND cung ứng theo đó rất lớn mà vừa qua và cho đến nay gần như không có động tác trung hòa trực tiếp. Đây là một yếu tố quan trọng trong cân đối thanh khoản và đà rơi sâu của lãi suất VND liên ngân hàng hiện nay.
Và như trên, nhà điều hành còn sớm bật tín hiệu sẵn sàng hỗ trợ thêm nguồn với kỳ hạn nới dài lên hẳn 28 ngày trên OMO, dù chưa có phát sinh giao dịch.
Minh Đức